Liên quan đến tội không tố giác tội phạm, theo Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chỉ có ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội mới là đối tượng được loại trừ, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này (trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng).
Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung thêm một chủ thể mới là người bào chữa nếu họ không tố giác tội phạm do thân chủ đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của bộ luật này. Có thể nói, đây là một bước tiến bộ trong việc ghi nhận quyền công dân của người bị tình nghi là tội phạm cũng như vai trò của người bào chữa nói chung và luật sư nói riêng.
Nếu buộc luật sư phải tố giác thân chủ thì sẽ mâu thuẫn với điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc: “Người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Về phía người bào chữa (mà chủ yếu là luật sư), họ đóng vai trò là người “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (theo Điều 3 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012). Luật sư có trách nhiệm làm sáng tỏ những tình tiết xác định thân chủ vô tội hoặc những tình tiết làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ.
Khi tham gia bào chữa, thực chất luật sư không chỉ hỗ trợ cho thân chủ về mặt pháp lý mà còn giúp họ ổn định về mặt tâm lý, tinh thần, là cầu nối giữa thân chủ và gia đình họ; và thường được thân chủ tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc một cách chi tiết, cụ thể nhất. Tất nhiên, luật sư không được phép xúi giục thân chủ khai sai sự thật hay cung cấp tài liệu, bằng chứng giả nhưng không có nghĩa là luật sư có nghĩa vụ sử dụng thông tin mà thân chủ tiết lộ để tố giác ngược lại họ cho cơ quan tiến hành tố tụng. Không phải ngẫu nhiên mà việc giữ bí mật thông tin về vụ việc, về khách hàng lại là một trong những nghĩa vụ của luật sư được quy định trong Luật Luật sư, trong Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Song theo tôi, phạm vi loại trừ trách nhiệm của người bào chữa theo Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 còn quá rộng (có đến trên dưới 100 loại tội phạm mà người bào chữa có nghĩa vụ phải tố giác nếu biết được, kể cả trong trường hợp tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện). Thiết nghĩ phạm vi này cần phải được thu hẹp hơn hoặc phải bổ sung quy định: chỉ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người bào chữa biết rõ, có đủ chứng cứ về tội phạm đó và nếu không tố giác sẽ gây nguy hại cho đời sống xã hội mà không thực hiện việc tố giác. Ngoài ra, khi Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi thì các quy định có liên quan trong Luật Luật sư hoặc các văn bản khác cũng cần được sửa đổi, tránh để xảy ra tình trạng luật “đá” luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.