Tính đến cuối tháng 9-2017, đã có 11/26 nội dung hợp tác và 6 nội dung hỗ trợ được đưa vào thực hiện thông qua 22 dự án với tổng trị giá hơn 8 triệu USD. Như vậy, năm 2017 đã chứng kiến mức tăng gấp đôi về số dự án và gấp bốn lần về ngân sách thực hiện.
Trong khuôn khổ năm lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch công tác, các dự án IAI tập trung xử lý những vấn đề thiết thực mà các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đang đối mặt, như: an toàn vệ sinh nông phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng khung chính sách để phát triển và kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo tiếng Anh, đào tạo kỹ năng trong nền kinh tế số… Ngoài ra, 13 dự án mới cũng đang trong quá trình phát triển hoặc chuẩn bị đưa vào thực hiện.
Đáng chú ý, trong công tác triển khai lần này, nhiều cải tiến đã được đưa ra nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thực thi. Trước hết, công tác theo dõi, đánh giá kết quả không chỉ căn cứ vào số lượng dự án hay số tiền tài trợ, mà dựa trên mức độ đạt được các yêu cầu, các tiêu chí cụ thể đã đặt ra cho từng nội dung hợp tác.
Tính đến nay, các đối tác đã cam kết tài trợ hơn 7 triệu USD cho 11 dự án thuộc Kế hoạch công tác lần ba.
Với vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách IAI năm 2017, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch công tác IAI lần ba, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm công tác triển khai diễn ra thuận lợi.
Từ đầu năm đến nay, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã phối hợp tổ chức các vòng tham vấn quốc gia và khu vực để xây dựng dự án IAI, vận động Hàn Quốc tài trợ tổ chức hội thảo về kỹ năng xây dựng dự án và cách thức tranh thủ quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc…
Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN cũng đề xuất nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác thông tin, phối hợp cũng như xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành trong tham gia thực hiện IAI. Những kết quả này đã giúp xây dựng khuôn khổ và tạo đà thuận lợi cho quá trình triển khai Kế hoạch công tác IAI vào những năm tiếp theo.
Được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 28, Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) lần ba xác định năm lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn 2016-2020 gồm lương thực và nông nghiệp; thuận lợi hóa thương mại; phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs); giáo dục; y tế và phúc lợi. Tương ứng với mỗi lĩnh vực ưu tiên là các dòng hành động để giúp các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đạt được những mục tiêu hợp tác đề ra.
Ngoài ra còn các hành động hỗ trợ về năng lực cho 4 nước trong tham gia và thực thi các hoạt động, dự án hợp tác. Về cơ chế triển khai, ngoài Nhóm đặc trách với chức năng điều phối khu vực, mỗi nước trong nhóm trên đã xác định các vị trí điều phối quốc gia và cơ quan đầu mối cho từng lĩnh vực ưu tiên.