Tại TPHCM, hưởng thụ văn hóa giữa người dân nội thành và ngoại thành cũng có khoảng cách rõ rệt. Hàng loạt sân khấu lớn nhỏ, trung tâm ca nhạc, nhà thiếu nhi tầm cỡ, trung tâm trưng bày nghệ thuật hay các phòng tranh đều nằm trên những con đường thuộc các quận nội thành, số đông là ở khu vực trung tâm. Chưa kể một số lượng kha khá quán cà phê kết hợp diễn kịch hay hài độc thoại cũng nằm rải rác khắp các con hẻm thuộc những tuyến đường trung tâm.
Nhiều năm trước đây, những đoàn hát nhỏ khá thịnh ở vùng ven TPHCM, nhưng hiện tại, không mấy đoàn chịu về diễn ở ngoại thành khi mà một đêm diễn ở trung tâm luôn đông khách hơn. Chưa kể đi cùng với những sân khấu này, có khu ăn uống và mua sắm buổi tối, trở thành tổ hợp khó tách rời. Là người thuộc thế hệ 9X, lớn lên ở ngoại thành, bản thân tôi trước đây cũng còn xa lạ với khái niệm nhà thiếu nhi hay trung tâm văn hóa.
Trong huyện cũng có trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, nhưng cách nhà khá xa, nên tôi và những người bạn trong xóm chẳng mấy khi có dịp đến những nơi này, họa hoằn lắm là được đến khi có sự kiện quan trọng, như là để nhận học bổng. Nói vậy cũng không phải là tất cả, vẫn có những trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi huyện, xã hoạt động khá ổn, mở được các lớp năng khiếu, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân tại chỗ. Nhưng nhìn chung, phần lớn những trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi ở những quận nội thành hoạt động tốt hơn.
Có nhiều lý do để giải thích cho việc hoạt động văn hóa ở nội thành nhộn nhịp hơn ngoại thành. Gần như chưa một ca sĩ hạng A nào đồng ý mở liveshow hay chỉ là một buổi họp fan nhỏ ở ngoại thành; cũng không một nhà đầu tư nào dám mạo hiểm mở một trung tâm trưng bày nghệ thuật ở vùng ven. Dễ hiểu, vì có được bao nhiêu khán giả chịu ra ngoại thành để xem ca nhạc hay triển lãm và với nhiều người dân ngoại thành, tiền vé xem ca nhạc là điều cần cân nhắc; còn chuyện xem triển lãm gần như là xa xỉ.
Trước đây, vẫn có những người dân ngoại thành thỉnh thoảng vô nội thành xem cải lương, kịch nói hay tham gia các hoạt động văn hóa giải trí ngoài trời. Hiện tại, họ không mấy mặn mà, khi thông qua các thiết bị điện tử có hàng tá chương trình để xem. Chưa kể, nếu chịu khó mày mò thì sẽ lần ngay ra trang cá nhân của người nổi tiếng trên mạng xã hội để theo dõi. Vì vậy, họ không việc gì phải mất thời gian, mất tiền vô nội thành xem kịch, cải lương vì mục đích chính là được gặp nghệ sĩ hoặc theo dõi thông tin nghệ sĩ đã được đáp ứng.
Cũng gần như chưa có một cuộc khảo sát nào từ cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa TPHCM để lắng nghe và đối thoại với người dân ngoại thành xem nhu cầu cụ thể của họ là như thế nào, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Mỗi năm, các đơn vị công lập vẫn tổ chức các đêm diễn ở ngoại thành. Nhưng sau các đêm diễn ấy, không ai khảo sát xem, người ở ngoại thành muốn xem gì để đem đến “món ăn” đúng khẩu vị.
Đó là những yếu tố khách quan lý giải cho khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nội - ngoại thành. Còn nhìn nhận sâu hơn, có thể thấy, các trung tâm văn hóa ngoại thành gần như hoạt động kiểu hình thức, thiếu chương trình phù hợp với người dân địa phương. Người dân vẫn còn ngại bước tới trung tâm văn hóa, thì lấy gì để “xóa nghèo văn hóa”? Ở đây, không chỉ nói về sự thụ hưởng những chương trình văn hóa - giải trí, mà xa hơn, đó còn là câu chuyện hình thành nên một lớp khán giả có gu thẩm mỹ trong thưởng thức văn hóa, để từ đó góp phần phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống hài hòa cùng nhịp sống hiện đại.