Chôn lấp thiếu vệ sinh
Theo thống kê của Bộ TN-MT, hiện nay, xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 71%; trong đó, chỉ có 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Việc thiếu công nghệ xử lý hiện đại cũng như việc chôn lấp rác không hợp vệ sinh đang là những nguyên nhân chủ yếu khiến các khu xử lý rác có tình trạng phát tán mùi hôi, rò rỉ nước thải, khói bụi ra môi trường.
Khói bay mù mịt tại một đơn vị xử lý rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Để minh chứng, ngày 8-5, PV Báo SGGP đã đi thực tế tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TPHCM; gọi tắt khu xử lý rác). Tuyến đường dẫn vào khu xử lý rác khá nhếch nhác, các xe vận chuyển rác để rác rơi vãi, nước trên xe rò rỉ ra đường khá nhiều. Đứng cách xa khu xử lý rác khoảng 500m vẫn ngửi thấy mùi hôi, những cột khói trong khu xử lý rác xả khói đen bay mù mịt khắp khu vực... Người dân sống trong khu dân cư ở xã Phước Hiệp (gần khu xử lý rác) cho biết, từ khi khu xử lý rác đi vào hoạt động, nhiều vườn cây ăn trái, những cánh đồng lúa tàn lụi dần, liên tục mất mùa; dòng kênh chạy ngang khu dân cư vốn trong xanh cũng đã đổi màu do nước bị ô nhiễm.
Tương tự, tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng ngày càng lan rộng. Ngày 9-5, có mặt tại đây, PV Báo SGGP chứng kiến, dù đứng khá xa nhưng mùi hôi phát ra từ khu xử lý rác vẫn nồng nặc. Theo người dân sống gần khu xử lý rác, mùi hôi càng nồng nặc hơn sau mỗi lần trời mưa hoặc vào thời điểm công nhân trong khu xử lý kéo bạt che ở các điểm chôn lấp để đổ rác.
Không chỉ ở TPHCM mà nhiều tỉnh, thành khác cũng gặp tình trạng ô nhiễm từ các khu xử lý rác. Cụ thể như Khu xử lý chất thải Nam Sơn (TP Hà Nội), trong các năm 2019, 2020, người dân sống xung quanh khu vực này đã nhiều lần căng bạt chặn xe chở rác vào khu xử lý rác vì bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của dân cư.
Mới đây nhất, cuối tháng 4-2023, người dân ở phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) rất bức xúc về tình trạng bãi chôn lấp chất thải rắn bị cháy âm ỉ trong nhiều ngày, khói đen bốc lên nghi ngút khiến cho không khí xung quanh ô nhiễm nặng nề… Tình trạng các khu xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt người dân xung quanh do sử dụng công nghệ chôn lấp lạc hậu thiếu vệ sinh cũng đã, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Thái Nguyên…
Theo Bộ TN-MT, trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác. Với khoảng 100 triệu dân, lượng rác thải ra mỗi ngày trên toàn quốc khoảng 120.000 tấn, trong đó, 16% là rác thải nhựa. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng chất thải nhựa lớn nhất thế giới. Do đó, việc xử lý khối lượng rác thải khổng lồ này như thế nào đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương.
Vị trí không phù hợp
Xử lý rác thải sinh hoạt như thế nào để đảm bảo vệ sinh môi trường luôn là vấn đề đau đầu với nhiều địa phương. Thực tế không phải nơi nào cũng tìm được sự đồng thuận của người dân, nhất là người sinh sống cạnh các dự án xử lý rác thải.
Điển hình như với Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Đông Á (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Mặc dù mới chỉ là kế hoạch, nhưng dự án này đã bị người dân phản đối với lý do các cơ quan chức năng chưa đối thoại với người dân về vị trí xây dựng cũng như đánh giá tác động môi trường của dự án. Tương tự, dù chưa thành hình nhưng dự án Khu xử lý chất thải tại xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cũng vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân với lý do vị trí đặt nhà máy gần sát khu vực người dân sinh sống.
Tình trạng quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác chưa nhận được sự đồng tình của người dân như trên không phải diễn ra mới đây. Cách nay hơn 5 năm, khi UBND huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) tiến hành lễ khởi công công trình xử lý rác thải tại xã Hương Thủy, hàng trăm người dân đã kéo ra phản đối. Nguyên nhân được nêu ra là vị trí bãi rác nằm trên đỉnh đồi, đầu nguồn nước sinh hoạt, lại án ngữ ngay phía trên đồng ruộng và khu dân cư nên người dân e ngại xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hay như năm 2019, tại Thái Nguyên, nhiều người dân làng nghề chè truyền thống ở các xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), Vô Tranh (huyện Hạ Hòa) cũng không đồng thuận với kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở đây. Theo người dân, nếu đặt nhà máy ở giữa vùng chè rất có thể khói bụi, mùi hôi thối từ nhà máy và trên con đường vận chuyển rác sẽ ám, đọng vào lá chè, búp chè làm chất lượng chè bị ảnh hưởng.
Chậm trễ dự án ngăn mùi hôi từ khu xử lý rác
Theo Sở TN-MT TPHCM, giải pháp hữu hiệu để ngăn mùi hôi từ các khu xử lý rác phát tán ra là trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác với các khu vực xung quanh. Thế nhưng, dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 (quy mô 197ha với mức đầu tư 70 tỷ đồng) ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước (quy mô 268,79ha với mức đầu tư 1.069 tỷ đồng), đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, chính sách bồi thường thay đổi làm phát sinh chi phí, vượt mức tổng đầu tư.
Số hóa trong thu gom, vận chuyển rác
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam, công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn TPHCM hiện vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở lực lượng thu gom rác dân lập. Do lực lượng này chưa có pháp nhân rõ ràng nên công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến chất lượng dịch vụ thu gom chưa đạt yêu cầu, thời gian thu gom không đều đặn, vẫn còn tình trạng thu gom theo kiểu “da beo”, chỗ nào dễ thì gom, chỗ nào khó thì bỏ.
Ngoài ra, thành phố hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng phí thu gom rác không đồng nhất, dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, giờ giấc thu gom họ tự quyết… Những bất cập này khiến cho việc thu gom, vận chuyển rác chưa thực sự đạt chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và gây bức xúc cho người dân.
Trong bối cảnh đó, có một số đơn vị thu gom rác ở TP Thủ Đức và các quận 3, 4, Bình Thạnh, Gò Vấp… đang áp dụng số hóa trong quản lý, thu gom rác. Phần mềm E.GRAC.VN (viết tắt GRAC) được cài đặt trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng... với hệ thống dữ liệu tập trung, đa nền tảng và được đồng bộ liên tục (Big Data - Cloud Server). Các chức năng của app GRAC là tra cứu tiền rác và thanh toán online, gửi phản ánh, khiếu nại online, đặt lịch thu gom rác cồng kềnh, đặt lịch thu gom rác tái chế và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, người quản lý dễ dàng nắm bắt thông tin, hiện trạng thu phí giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải, đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Chia sẻ khi áp dụng GRAC, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện Hợp tác xã môi trường quận 3, cho biết, số hóa đã giúp giảm hơn 50% khiếu nại (về chất lượng, thời gian, khối lượng thu gom rác); giảm sử dụng giấy tờ, tối ưu năng suất làm việc; kết nối, thu ngắn khoảng cách giữa các bộ phận; dữ liệu thống nhất, minh bạch; tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng thu gom rác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhận định, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, do mới dừng lại ở việc triển khai thí điểm nên việc đánh giá kết quả cần có thời gian để kiểm chứng, hoàn thiện. Dù vậy, thực hiện chuyển đổi số trong thu gom, vận chuyển rác thải có thể thấy được một số lợi ích trước mắt như giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên đầu vào, giảm lượng khí thải của các phương tiện vận chuyển...