Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn bất cập

Còn hơn 1 tháng nữa, Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực. Một trong những quy định tại nghị định này là xử phạt hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại rác thải trước khi chuyển giao. 

Hoạt động phân tán, manh mún

Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, hiện trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận 9.000-11.000 tấn rác thải. Trong đó, có đến 60% lượng rác được thu gom bởi lực lượng rác dân lập, số còn lại do công ty công ích các quận, huyện thu gom.

Thế nhưng, thực tế là tình trạng trang thiết bị cũng như hình thức quản lý của lực lượng thu gom rác dân lập đã quá lạc hậu. Mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình này nhưng hiện đang vấp phải nhiều rào cản. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thông tin, hiện trên địa bàn thành phố còn 132 đường dây thu gom rác dân lập chưa chuyển đổi lên mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Một số lượng lớn phương tiện thu gom lạc hậu, không có vách ngăn chia các loại rác cần phải sớm chuyển đổi.

Ở góc độ đơn vị thu gom rác thải dân lập, ông Phạm Văn Khanh, Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Đồng Tâm, lý giải, vấn đề là chưa có quy chuẩn hoạt động cho các mô hình này nên mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động mỗi kiểu khác nhau, dẫn đến chất lượng công việc không đồng đều. 

Việc chuyển đổi phương tiện thu gom từ phương tiện thô sơ, tự chế, lạc hậu sang phương tiện cơ giới cỡ nhỏ, đủ điều kiện tiếp nhận rác đã phân loại cũng còn nhiều bất cập. Sở TN-MT TPHCM đã phối hợp Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn nghiên cứu và chế tạo ra mẫu xe thu gom rác cỡ nhỏ. Các tổ chức thu gom rác “thụ hưởng” mẫu xe này cho rằng rất phù hợp với điều kiện di chuyển và thu gom rác trong các hẻm sâu ở các khu dân cư của thành phố.

Tuy nhiên, mẫu xe này đến nay chưa được các cơ quan chức năng cấp phép cho lưu thông, nên các đơn vị thu gom rác vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư phương tiện thu gom rác phù hợp. Theo khảo sát thống kê của Sở TN-MT, hiện ước tính có đến 3.101 phương tiện cũ cần thay thế, nhưng các tổ chức, cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường. Hiện tổng nhu cầu vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường để chuyển đổi phương tiện cũ là khoảng 394 tỷ đồng.

Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn bất cập ảnh 1 Rác thải trôi dạt khắp nơi tại kênh Lò Gốm, quận 8, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi đó, từ nay đến ngày 25-8 (ngày Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực) không còn xa. Sau ngày 25-8, theo quy định, sau khi người dân đã phân loại rác thì đơn vị thu gom, vận chuyển cần phải thu gom theo loại rác đã phân loại.

Thế nhưng, với phương tiện thu gom lạc hậu, người thu gom rác khó thực hiện được điều này! Chưa kể, rác sau thu gom, phân loại nhưng xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp (chiếm hơn 69% như hiện nay) thì việc phân loại rác của người dân cũng… vô nghĩa.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải hợp nhất đơn vị thu gom về cho lực lượng chính quy. Tuy nhiên, vấn đề này không dễ thực hiện, bởi phần lớn xe chuyên chở rác của các đơn vị công ty công ích có kích cỡ lớn nên không thể đi thu gom rác trong hẻm. Đó cũng là lý do tại sao trong 40% lượng rác do lực lượng thu gom rác chính quy thực hiện đa phần là thu tại nhà dân tại các tuyến đường trung tâm, đường lớn của các quận huyện và liên quận huyện. 

Phí rác thải đã lạc hậu

Không dừng lại ở vấn đề cơ sở vật chất, nhiều hợp tác xã hoặc doanh nghiệp cho rằng, mức thu phí rác thải tại các hộ dân đã quá lạc hậu so với mức trượt giá hàng hóa hiện nay, nhất là so với tốc độ tăng giá xăng. Điều này dẫn đến chất lượng công tác thu gom rác thải giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Hợp tác xã Môi trường quận 3, cho biết, trung bình mức giá thu gom rác hiện dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/hộ gia đình/tháng. Do vậy, ở những tuyến đường xa, thưa thớt hộ dân (chủ yếu tại các quận, huyện ngoại thành) rất khó để đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian qua tồn tại tình trạng một số đường dây thu gom rác dân lập bỏ thu gom rác tại nhiều tuyến đường.

Còn về phía người dân, để xử lý rác phát sinh do bị từ chối thu gom, nhiều hộ đã thải bỏ ra khu vực đất trống, vùng ven, vùng giáp ranh các quận huyện và hệ thống kênh rạch, làm gia tăng ô nhiễm môi trường từ nhiều bãi rác phát sinh. 

Ghi nhận thực tế tại các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh kéo dài từ khu vực quận 7 sang huyện Bình Chánh hay dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… vẫn thường xuyên có một lượng lớn rác thải bị bỏ dọc đường.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trung bình mỗi ngày đơn vị vớt khoảng 10 tấn rác thải. Thậm chí, có những rác thải cồng kềnh như ghế, giường, tủ hoặc các bao chứa chất thải công nghiệp cũng bị một bộ phận người dân lén lút thải bỏ. 

Thu gom gặp khó nhưng việc xử lý rác thải còn khiến thành phố “đau đầu” hơn rất nhiều. Theo kế hoạch giảm thiểu ô nhễm môi trường mà TPHCM đã ban hành, đến cuối năm 2020, lượng chất thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp giảm còn 50%. Con số này sẽ còn 20% vào năm 2025, và 0% vào năm 2030.

Thế nhưng, theo báo cáo của Sở TN-MT, cho đến nay, lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp vẫn đang chiếm gần 69% tổng lượng rác phát sinh. Đơn vị tiếp nhận lượng rác lớn nhất của thành phố (chiếm 70% tổng lượng rác của thành phố) là Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam chưa sẵn sàng để chuyển đổi xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp sang công nghệ đốt phát điện.

Hai công ty khác đã được UBND TPHCM cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác phát điện là Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar cũng đang “giậm chân tại chỗ”. Theo kế hoạch thì hai dự án của 2 doanh nghiệp này đáng lẽ đã đi vào hoạt động cuối năm 2020, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.

Một đơn vị khác là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - đơn vị tiếp nhận và xử lý bằng biện pháp chôn lấp hơn 1.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hiệp xử lý rác Phước Hiệp - đã lập đề án xin phép chuyển đổi công nghệ xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp sang đầu tư dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng thủ tục hành chính.

Hướng dẫn người dân phân loại rác từ nguồn

Cách nay hơn 10 năm, TPHCM đã bắt đầu hướng dẫn người dân phân loại rác từ nguồn. Đầu tiên, chương trình được thí điểm tại một số quận, sau đó đến năm 2018, thành phố chính thức ban hành Quyết định 44/2018 về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.

Mục tiêu chính của quyết định này là chất thải sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường.

Theo đó, chất thải sinh hoạt được phân loại thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật…); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh..); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

TPHCM cũng khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, túi có màu sắc khác để chứa các chất thải còn lại; dùng thùng rác chuyên dụng màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, màu xám để chứa chất thải còn lại. 

Sở TN-MT phối hợp VNPT TPHCM xây dựng ứng dụng phân loại rác tại nguồn trên điện thoại di động để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin hướng dẫn phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố. Các hướng dẫn được trình bày dưới dạng video, văn bản và hình ảnh một cách trực quan và sinh động để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện.

Do đó, có thể khẳng định, phần lớn người dân TPHCM đều đã nắm rõ phân loại rác tại nguồn như thế nào và lợi ích của việc này. Vấn đề còn lại chính là sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp của lực lượng thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Những bất cập của lực lượng này đã được nhận diện từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

TÂM ĐỨC


Theo điều 26 Nghị định 45/2022, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Tin cùng chuyên mục