Mầm bệnh từ rác thải y tế
Trung bình mỗi ngày TP Đà Nẵng ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19 (F0), trong đó phần lớn cách ly, điều trị tại nhà. Như thường lệ, từ 7 giờ sáng, anh Đặng Văn Tuyên, nhân viên Xí nghiệp Môi trường Hải Châu đều mặc bảo hộ màu xanh, mang khẩu trang 2 lớp kín mặt, kèm bình xịt khuẩn đến thu gom rác của các hộ gia đình có F0 đang được điều trị tại nhà ở 4 phường thuộc quận Hải Châu.
Với chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển, anh Tuyên đi khắp các kiệt, hẻm đợi chủ nhà mang rác ra để ở cổng, xịt khuẩn bịch rác rồi bỏ lên xe, mang đi. Khi số lượng rác đã đầy thùng, anh Tuyên đưa rác về điểm tập kết rác nguy hại được bố trí ở đầu tuyến đường Thăng Long (quận Hải Châu) bỏ vào thùng container. Với hơn 300 địa chỉ cần thu gom, công việc cứ thế kéo dài đến khoảng 18 giờ.
Theo anh Tuyên, rác có nguy cơ lây nhiễm nên các nhân viên đều thống nhất thời gian thu gom với người dân, tránh tình trạng người qua đường để cùng với rác thải thông thường. Tuy nhiên, các hộ gia đình có F0 nằm rải rác ở các tuyến đường khác nhau, nhiều nhà nằm ở trong kiệt, hẻm, xe khó vào, chưa kể các công nhân phải mang bảo hộ, đi lại bất tiện. Đặc biệt, nhiều hộ có ca F0 không khai báo nên bỏ lẫn rác y tế nguy hại với rác sinh hoạt thông thường.
“Nhiều nơi có ca F0 nhưng không có bảng hiệu nên tôi cũng thu gom bình thường. Nhiều đêm làm về mệt, lăn ra ngủ thiếp đi. Sáng thức dậy thấy người nhức mỏi, đầu óc lâng lâng, tôi cũng lo lắng nhưng bây giờ công việc, trách nhiệm thì biết làm sao”, anh Tuyên tâm sự.
Không những thế, theo ghi nhận, tại các điểm tập kết khác cũng đầy khẩu trang, kit test nhanh đã qua sử dụng, không hề phân loại cùng với nhiều loại rác thải sinh hoạt khác. Nhiều hộ gia đình chưa nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ khẩu trang, khăn lau mũi, miệng, dụng cụ test nhanh… nên chưa phân loại rác đúng quy định.
Thậm chí, nhiều người sau khi sử dụng các phương tiện này không bỏ đúng quy định mà theo kiểu “bạ đâu xả đó”, không những tiềm ẩn nguy cơ về bùng phát dịch bệnh mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Giữ an toàn cho "chiến binh thầm lặng"
Đại diện Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, rác thải của F0 điều trị tại nhà phải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” riêng biệt để nhân viên môi trường thu gom. Loại rác này phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác. Thông thường sẽ được xử lý triệt để bằng phương pháp thiêu hủy, vì vậy, việc giám sát, phân loại rác thải lây nhiễm là bắt buộc.
Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm do rác thải, quản lý rác thải lây nhiễm từ các hộ dân có F1, F0 theo đúng quy định về chất thải nguy hại, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng đề nghị UBND địa phương giao tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc phải khai báo y tế của các trường hợp F1, F0 tại nhà kịp thời để đảm bảo việc tiếp cận thu gom chất thải lây nhiễm để tổ chức thực hiện hợp lý; kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế của địa phương hướng dẫn việc thu gom, phân loại và lưu giữ chất thải lây nhiễm theo đúng quy định.
Sở TN-MT TP Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Môi trường trường đô thị Đà Nẵng và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối công tác phòng chống dịch bệnh. Trường hợp phát hiện có rác thải lây nhiễm lẫn trong rác thải thông thường trong quá trình thực hiện, cần thông tin ngay đến UBND phường, xã và các cấp có thẩm quyển để kiểm tra, xử lý.