Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời câu hỏi thu phí hay thu giá của báo giới chiều nay 23-5
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể về các dự án và trạm thu phí BOT, ngày 23-5, dư luận và cộng đồng mạng cũng như người dân tỏ ra bức xúc trước khái niệm trạm thu phí bị đổi thành trạm thu giá và nghe chối tai.
Tại hành lang Quốc hội chiều 23-5, câu hỏi của báo giới được gửi tới ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Nhiều người cho rằng khái niệm thu giá đặt ra có thể tạo sự nhập nhèm vì phí là do Nhà nước quản lý và điều chỉnh, còn nếu ghi là thu giá thì sẽ do doanh nghiệp tự điều chỉnh và người dân sẽ bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp chỉ có điều chỉnh theo hướng tăng mà không giảm giá…
Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng cách suy nghĩ này là một chiều, mang tính cá nhân. “Ở đây chúng ta phải hiểu là chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Mà luật đã quy định là thu giá thì chúng ta phải gọi là thu giá, chứ không thể luật là thu giá nhưng chúng ta vẫn cứ yêu cầu phải là thu phí” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến.
Ông Kiên nói: “Chúng ta không thể quay lại bẻ nhau bằng từ điển tiếng Việt rằng giá là thế này, phí là thế kia. Với tư cách của một người xây dựng luật, tôi có thể nói là mặc dù luật chưa cover được 100% vấn đề của xã hội nhưng chí ít nó đã cover được 85-90% thì chúng ta cứ để thực hiện đã rồi mới điều chỉnh. Vì hàng năm, cứ 5 năm một lần chúng ta đều có đánh giá lại luật ấy, nên chúng ta cần tôn trọng thực tiễn”.
*Cũng là thu tiền, sao không sử dụng khái niệm thu phí cho dễ hiểu?
- Ông Nguyễn Đức Kiên: Vì luật bây giờ đã quy định là giá, không có phí nữa thì chúng ta cứ gọi là thu giá. Cái quan trọng là chúng ta phải nhìn vào bản chất của sự việc, rằng làm con đường đó nó có hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội không, có tạo thuận lợi cho người dân không? Còn cái việc gọi là trạm BOT, trạm thu giá BOT, trạm thu phí BOT chỉ là cái tên gọi thôi.
*Nhưng vấn đề là từ thu giá nghe chối tai và nhiều người cho rằng có sự mập mờ đánh tráo khái niệm để thu phí cao của người tham gia giao thông trên các dự án BOT?
- Cũng chỉ là tên gọi, cách gọi thôi, ví dụ lâu nay chúng ta không thích cái tên gọi là “cu Tý” nhưng thực tế có cả nhạc sỹ rất nổi tiếng có tên là Nguyễn Văn Tý. Vậy nhưng có người lại cho rằng tên gọi đó là không hay. Tôi ví dụ có những họa sỹ vẽ body painting, người thì bảo đấy là dung tục, người thì bảo đấy là nghệ thuật. Đó là quan niệm của mỗi người. Dung tục hay không dung tục là do cái đầu của mình.
*Nhưng theo các nhà chuyên môn thì việc dùng khái niệm giá là có chủ ý đánh tráo khái niệm…
Vấn đề là luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực rồi thì anh phải tuân theo. Quốc hội đã quy định đấy là giá dịch vụ thì phải dùng giá dịch vụ. Nếu anh cho rằng tôi nói như thế là không phản ánh đúng dư luận và sự bức xúc của dân thì tôi cũng chấp nhận vì tôi nói theo luật.
*Vậy khái niệm viện phí tại các bệnh viện tư nhân thì nên gọi là “viện phí” hay “viện giá” thưa ông?
- Thực ra là giá dịch vụ, giá nằm bệnh viện. Mình cứ quen gọi là phí giường nằm ở bệnh viện, đó là mình gọi thế thôi chứ nếu đúng là giá 1 giường nằm một ngày đêm ở bệnh viện. Anh chị vào khách sạn thì anh chị bảo đó là giá hay phí?
*Vậy tại sao học phí tại các trường tư vẫn gọi là học phí mà không gọi là học giá?
- Đó là vì ngay từ năm 1958 khi các bạn chưa ra đời thì đã gọi là học phí rồi nên bây giờ mọi người quen với từ học phí rồi, nhưng bản chất của trường tư nó chính là giá.