Thủ đoạn tạo lập hợp đồng khống để chuyển tiền ra nước ngoài của bà Trương Mỹ Lan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ án “Rửa tiền”, “Vận chuyển tiền qua biên giới” trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Trong đó, cơ quan điều tra bước đầu đã làm rõ thủ đoạn của bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để có nguồn tiền bất hợp pháp.

Lập phương án giải ngân, rút tiền từ SCB

Tại bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân TPHCM xác định, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của SCB và chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 415.000 tỷ đồng phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan, phạm vào tội “Tham ô tài sản”.

Để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt của SCB và sử dụng cho các mục đích cá nhân, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền; bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (thuộc SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền.

Bà Lan VTP.jpg
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tạo lập hợp đồng khống để chuyển tiền ra nước ngoài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc rút tiền, chuyển tiền ra khỏi SCB được bà Lan thực hiện với phương thức khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh của SCB thực hiện dưới hai hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty “ma”, cá nhân được chỉ định.

Trong đó, việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở SCB chi nhánh Sài Gòn theo quy trình như sau: Khi có nhu cầu cần sử dụng tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe của Lan) đến SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền; Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung sẽ liên hệ với Nguyễn Phương Anh để yêu cầu lập danh sách pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền, đồng thời chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale, SCB chi nhánh Sài Gòn phối hợp với Nguyễn Phương Anh thực hiện.

Sau đó, Nguyễn Phương Anh chuyển cho Thái Thị Thanh Thảo (kiểm soát viên giao dịch tại SCB) thông tin về pháp nhân nhận tiền, các chứng từ và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Nguyễn Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” trong nhóm lập các chứng từ (ủy nhiệm chi, giấy rút tiền...) đồng thời hẹn các cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp nhân đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền.

Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ SCB chi nhánh Sài Gòn) để xuất tiền mặt khỏi quỹ và giao cho Bùi Văn Dũng ở hầm B1, trụ sở SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Sau quy trình này, Dũng vận chuyển tiền về Tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, quận 3, TPHCM cho Trương Mỹ Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên để giao tiền cho người nhận theo chỉ đạo của Lan; hoặc Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Phương Anh sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân đến tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này, khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Trương Mỹ Lan sử dụng.

Kết quả điều tra đã xác định: Từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022 (thời điểm khởi tố vụ án), SCB đã giải ngân cho nhóm Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông qua 916 khoản vay là hơn 420.000 tỷ đồng đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (gọi là F1 nhận tiền, giải ngân theo các phương án vay vốn khống), sau đó tiếp tục chuyển khoản, hoặc rút ra sử dụng.

Tạo lập hợp đồng khống để chuyển tiền ra nước ngoài

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, sau chiếm đoạt được tiền từ SCB, tùy theo từng mục đích sử dụng khác nhau, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh sử dụng các cá nhân được thuê và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến ngân hàng (SCB hoặc ngân hàng ngoài hệ thống SCB) ký “khống” giấy nộp/rút tiền, thực hiện ủy nhiệm chi để chạy dòng tiền theo phương án đề ra.

Đích đến cuối cùng của việc chạy dòng tiền là để bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền cho các mục đích khác nhau, như: chi trả cho các khoản vay khác tại SCB; chi thực hiện các dự án; chi cho các cá nhân; thanh toán các khoản nợ của các công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại các ngân hàng khác; trả gốc và lãi trái phiếu; chuyển cho SCB chi nhánh Cầu Giấy, các chi nhánh khác của SCB; chuyển tiền ra nước ngoài...

Trong đó, việc chuyển tiền ra nước ngoài được cơ quan điều tra làm rõ. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã câu kết với các nhân viên SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay tiền; hợp đồng tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty ở nước ngoài.

Các hợp đồng này đều là hợp đồng khống để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam; các pháp nhân chuyển tiền, nhận tiền là các công ty “ma” (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài thực hiện tại 3 chi nhánh của SCB, gồm: Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.

Mặc dù các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài… mặc dù thiếu trường thông tin về mục đích chuyển tiền, bị hệ thống tự động khóa, nhưng các đối tượng có thẩm quyền vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập xác định: từ ngày 27-10-2012 đến ngày 7-10-2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD có nguồn gốc từ tiền tham ô tài sản, đã bị xử lý về hành vi “Rửa tiền ”; số tiền này cũng không có nguồn gốc từ số tiền hơn 30.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3 tỷ USD. Tổng số tiền được bà Trương Mỹ Lan vận chuyển ra nước ngoài là hơn 4,5 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục