Liên quan đến vụ “Bắt 13 người chuyên cắt ghép ảnh đồi trụy, gọi điện vu khống để đòi nợ” như Báo SGGP đã thông tin, đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM cùng Công an quận 1 đã làm rõ nhiều thông tin liên quan đến hành vi của các đối tượng và Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, gọi tắt là Công ty Tài chính Mirae Asset.
Biến tướng của tín dụng đen trong thời đại công nghệ số
Theo lãnh đạo Phòng PC02, lãnh đạo Công ty Tài chính Mirae Asset thậm chí cố tình làm ngơ để nhân viên thu hồi nợ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu người thân của khách vay tiền phải trả nợ.
Hành vi của nhân viên bộ phận thu hồi nợ của Công ty Tài chính Mirae Asset khác với các băng nhóm tín dụng đen truyền thống (đến nhà, gọi điện đe doạ hay gây áp lực), nhưng là một hoạt động biến tướng.
Ngoài tiền lương mỗi tháng, các nhân viên bộ phận thu hồi nợ còn được thêm 30% trên tổng số tiền đòi nợ được.
Lãnh đạo Phòng PC02 thông tin thêm, các nhân viên đòi nợ đã tìm hiểu trước thông tin của người thân, lãnh đạo công ty nơi con nợ vay tiền. Sau khi con nợ không trả, nhóm sẽ gọi điện “khủng bố” người thân, lãnh đạo công ty để yêu cầu trả nợ. Nhóm còn cắt, ghép dán hình người thân, gửi tới gia đình, hàng xóm, công ty để uy hiếp, khiến người thân sợ hãi, hoang mang.
Điều này cho thấy, lãnh đạo Công ty Tài chính Mirae Asset dung túng dẫn tới các nhân viên “lộng hành”. Theo lãnh đạo Phòng PC02, đây là biến tướng của tín dụng đen trong thời đại công nghệ số.
Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an quận 1 cho biết thêm, các công ty tài chính được thực hiện các hoạt động hợp pháp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, thủ đoạn của Công ty Tài chính Mirae Asset là bất hợp pháp. Cụ thể, qua điều tra ban đầu, công an xác định hành vi vi phạm và mời 26 nhân viên của Công ty Tài chính Mirae Asset về làm việc.
Trong đó, nơi làm việc của các nhân viên công ty chứa thông tin tài liệu có dấu hiệu phạm tội vu khống. Khách hàng vay tín chấp, phải cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân (của mình và người thân) cho nhân viên công ty. Đến khi khách trả nợ chậm hoặc không trả nợ, các nhân viên cắt ghép, dán hình ảnh của nạn nhân, người thân rồi đưa thông tin sai sự thật lên mạng.
Lập facebook ảo để “khủng bố” đòi nợ
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó phòng PC02, cho biết, khi khách hàng vay quá hạn trả nợ, không trả được, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đòi nợ. Đáng nói, khi khách hàng vay tiền qua app này thì phải cung cấp 5-10 số điện thoại của người thân. Khi khách không trả, các đối tượng sử dụng sim rác, lập các facebook ảo, sau đó cắt ghép hình ảnh bôi nhọ, vu khống không đúng sự thật.
Các đối tượng cũng lần theo facebook của khách hàng để tìm kiếm trang cá nhân facebook của người thân... Sau đó, nhóm này đưa vào bình luận kèm hình ảnh phản cảm, không đúng sự thật. Kế đến, nhóm gây sức ép tìm mọi cách để khách hàng thanh toán, trả nợ.
Lãnh đạo Phòng PC02, Công an TPHCM cũng đề nghị, ai là nạn nhân của Công ty Tài chính Mirae Asset liên hệ Công an quận 1 và Phòng PC02 để cung cấp thông tin tố cáo, phục vụ việc điều tra.
Như Báo SGGP thông tin, ngày 4-11, Công an TPHCM kiểm tra hành chính Văn phòng Công ty Tài chính Mirae Asset (ở cao ốc H3 đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) và phát hiện nhiều nhân viên của công ty này có dấu hiệu phạm tội vu khống.
Theo công an, từ ngày 1-8-2016 đến nay, công ty thuê văn phòng, tại lầu 4, cao ốc H3, số 384 Hoàng Diệu để hoạt động thu hồi nợ. Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty.
Lãi suất người vay trả từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng. Khi đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ.
Quá trình điều tra, công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 bị can về tội “Vu khống”, theo điều 156 Bộ luật Hình sự.