Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường khai, từ năm 2014 đến giữa năm 2015, Bùi Quang Huy là người tìm kiếm, quan hệ để mua hàng hóa với nhiều nhà cung cấp tại nước ngoài; sau đó thuê vận chuyên hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam mà không phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định.
Bản thân bị can Trần Ngọc Ánh có nhiệm vụ quản lý theo dõi hàng hóa bán ra, đồng thời tư vấn về số lượng chủng loại hàng hóa để Huy mua. Đến giữa năm 2015, Ánh được Huy giao trực tiếp giao dịch mua hàng với các nhà cung cấp và thuê người vận chuyển hàng về Việt Nam mà Huy đã có quan hệ mua bán, thuê vận chuyển trước đó.
Thông qua ứng dụng Whatsapp... Ánh giao dịch thỏa thuận với các nhà cung cấp về giá cả, số lượng, chủng loại hàng hóa... để mua hàng tại Hồng Kông. Hàng hóa chủ yếu là điện thoại di động các loại, máy tính để bàn, máy tính bảng, phụ kiện... Sau khi chốt đơn với nhà cung cấp, Ánh báo cho nhà vận chuyển địa điểm, thời gian để họ nhận, vận chuyển về Việt Nam mà không phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, Công ty Nhật Cường cũng không phải cung cấp tài liệu, chứng từ gì liên quan đến hàng hóa cho nhà vận chuyển.
Bị can Ánh cũng khai rằng, ngoài mình ra, Bùi Quang Huy còn có Hoàng Văn Phong (cựu Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường), Mai Tiến Dũng (cựu Trưởng ngành hàng điện thoại cũ), Đỗ Quốc Huy (cựu Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) cùng tham gia giao dịch mua hàng. Sau khi giao dịch, chốt đơn hàng với nhà cung cấp, những người giao dịch gửi thông tin về đơn hàng đã đặt mua qua email hoặc qua phần mềm Wechat, WhatsApp trên điện thoại di động cho Nguyễn Bảo Ngọc (cựu Giám đốc tài chính Nhật Cường). Nội dung thông tin gồm: Tên hàng, số lượng hàng, đơn giá, thành tiền...
Khi đến ngày phải trả tiền cho nhà cung cấp, người giao dịch mua hàng sẽ thông báo các thông tin của nhà cung cấp như số tài khoản hoặc người nhận tiền mặt để Nguyễn Bảo Ngọc thanh toán tiền. Khi hàng về Việt Nam, Ánh thông báo cho Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) đi nhận hàng và thanh toán tiền vận chuyển cho bên vận chuyển hàng.
Trước khi nhập hàng vào kho, Ngọc vào hệ thống ERP để tạo đơn hàng (lưu là hàng nhập khẩu không VAT) dựa trên các thông tin về số hàng đã đặt mua được người giao dịch gửi cho Ngọc, như: Tên nhà cung cấp (do Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh đặt ký hiệu), tên hàng hóa, đơn giá mua hàng và đơn giá vận chuyển.
Bị can Ánh khai, việc tạo đơn đặt hàng trên hệ thống ERP là để lưu, quản lý hàng hóa mua vào, đồng thời giúp bộ phận kho có thông tin tạo phiếu nhập kho trên phần mềm và quản lý hàng hóa bán ra.
Khi hàng được đưa về kho, bộ phận kho kiểm đến hàng thực nhận và vào phần mềm ERP để tạo phiếu nhập kho. Khi tạo phiếu nhập kho trong phần mềm ERP các thông tin Ngọc đã tạo trong đơn đặt hàng như tên nhà cung cấp, tên hàng hóa, số lượng, đơn giá mua hàng và số đơn đặt hàng sẽ tự động chuyển đến phiếu nhập kho. Sau đó, bộ phận kho chỉ có nhiệm vụ nhập Imei của hàng hóa thực nhận vào phiếu nhập kho hàng hóa. Như vậy, phiếu nhập kho hàng hóa có đủ thông tin về số đơn đặt hàng, tên nhà cung cấp, tên hàng hóa, đơn giá mua hàng, số lượng hàng, Imei từng hàng hóa.
Toàn bộ hàng nhập khẩu không VAT được bán tại các cửa hàng cùng với các hàng hóa khác. Toàn bộ việc mua bán, chi phí mua hàng, vận chuyển hàng, lợi nhuận đều được quản lý theo dõi trên hệ thống ERP.
Căn cứ vào tài liệu trích xuất trên hệ thống ERP, Ánh xác nhận: Từ năm 2014 đến tháng 5-2019, Công ty Nhật Cường đã giao dịch mua hàng hóa của 16 nhà cung cấp tại các thị trường: Hồng Công, UAE, Mỹ, Singapore…
Tại cơ quan điều tra, bị can Ánh nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Trong việc làm trên, Ánh không được hưởng lợi gì mà chỉ được Bùi Quang Huy trả lương theo tháng; việc làm trên của Ánh là do Bùi Quang Huy chỉ đạo, Ánh là cấp dưới (người làm thuê) nên phải thực hiện.