Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của đất nước, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và đều kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây tròn 70 năm là một trong những mốc son rực rỡ nhất. Đúng sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 200.000 người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Sau nhiều năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lại tung bay phấp phới trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đầy gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời mở ra một chặng đường phát triển mới cho Hà Nội.
Sau ngày Thủ đô được giải phóng, Hà Nội phải đối mặt muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực không biết mệt mỏi, Hà Nội cùng với cả nước vừa tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa kiên cường chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đem lại hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Kể từ mùa Thu lịch sử cách đây 70 năm tới nay, Hà Nội không ngừng xây dựng, kiến thiết, phát triển vươn lên trở thành một Thủ đô hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Sau chặng đường phát triển và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội nằm trong top 20 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, với dân số hơn 8,5 triệu người.
Kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực chủ động thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội để đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Hà Nội luôn giữ vai trò đầu tàu, hạt nhân dẫn dắt các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước phát triển. Nhiều năm qua, tăng trưởng GRDP của Hà Nội luôn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân đạt 150 triệu đồng/người/năm (năm 2023). Đặc biệt, từ đầu năm 2024 tới nay, Hà Nội và TPHCM tiếp tục là 2 địa phương có đóng góp nguồn thu cho ngân sách lớn nhất với hơn 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93% và TPHCM đóng góp 25,45%.
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày nhanh với nhiều tác động mạnh mẽ, Hà Nội vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa nên dù diện mạo Thủ đô không ngừng phát triển hiện đại thì vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng văn hóa, là nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam. Trân quý và đánh giá rất cao quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết xây dựng, bảo vệ hòa bình, độc lập và tự do, Thủ đô Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”. Đặc biệt, cách đây tròn 25 năm, Hà Nội đã được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và sau đó tới năm 2019 là danh hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Phát huy truyền thống hào hùng của Ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu cao nhất là đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới.