“Nè chú Tư
Thôi, tôi nói vô chuyện luôn, nông dân chân đất không biết dông dài. Mấy con sông con rạch dưới miệt này đang ngộp hết chỗ nói rồi. Hồi xưa thì chỉ có cầu cá, nay ai cũng lấy sông rạch để xả ráo những thứ mà họ hết xài. Sông rạch thành bãi rác đùm đề rồi chú ơi. Mèo chó chết, đồ hư hỏng, cái gì cũng tống xuống sông.
Thì ở con rạch ngay hông vườn nhà tôi đó, trước trong mát, con nít tắm gội ùm ùm. Nay nó đen thui, ai lỡ nhúng chân là mắc ghẻ. Có người nhất mực đổ cho khu công nghiệp ô nhiễm. Có người lại nói do chính bà con mình xài thuốc sâu phun trong vườn cây ăn trái nhiều quá. Nói vậy thì chắc chắn là có hai thủ phạm rồi. Nhưng nói thì thả gió bay, chớ có ai bị bắt thường bắt bồi gì đâu. Nói cứ nói, xả cứ xả. Giờ người ghẻ, mai mốt tôm cá cũng ghẻ, biết lấy gì ăn.
Tôi có năm ba hột chữ, vì vậy phải đọc cái thư này cho thằng nhỏ biên gửi chú. Nghe đọc, nó nói ông ơi có mấy xứ cửa sông, nước mặn còn lấn vô tới 70 cây số. Tức là ở ngoài nước mặn đánh vô, ở trong nước bẩn xối ra. Mặn với dơ mà cùng “giáp công” vầy thì chết ráo chớ sống gì nổi.
Mà tôi tưởng ở trên thành phố khá hơn, ai dè hôm rồi đi xe đò lên thăm cháu, thấy sông rạch cũng hôi rình, bít đầu nọ, bịt đầu kia. Dân trên Sài Gòn khổ giống y dưới quê. Thôi thì cứ ráng bịt mũi mạnh giỏi nghe chú. Hai Sặt”.
Tư Quéo