“Cuộc chơi” đậm sắc xuân
Theo nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, chính Bùi Xuân Phái - người nổi danh với những bức tranh vẽ phố phường Hà Nội - là một trong những họa sĩ khởi xướng cho dòng tranh con giáp.
Theo ông Thượng, từ năm 1956 - 1957, Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp tết đến, xuân về. Có những năm, họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo để làm quà mừng năm mới cho những người thân quý.
Thế nhưng, người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông chuyên chú vẽ một cách quy mô, tính toán tỉ mỉ, việc vẽ con giáp của ông được đẩy lên thành truyền thống vẽ tranh tết hàng năm. Ông cũng được cho là người đại diện cho các họa sĩ Việt Nam cất lên tiếng nói của dân tộc mình qua các tác phẩm hội họa con giáp ngày xuân.
Sau một thời gian dài trào lưu vẽ tranh con giáp bị mai một, giờ đây, thú chơi này đã dần quay trở lại và được hồ hởi đón nhận.
57 bức tranh với nhiều phong cách khác nhau được giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật, tuy cùng một chủ đề nhưng mỗi tác phẩm lại tạo được một ấn tượng và cảm xúc riêng. Triển lãm như một lời chào đón linh vật mới, đánh dấu sự khởi đầu của một năm an lành, mang đến điểm nhấn nghệ thuật cho mùa xuân thủ đô.
Theo các tác giả, Hợi tuy đứng ở vị trí cuối cùng trong 12 con giáp nhưng rất quan trọng vì đồng nghĩa với việc hoàn tất chu kỳ “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để chuẩn bị khởi đầu một chu kỳ mới, vì thế thể hiện con giáp này không đơn giản.
Với những phong cách riêng biệt, con giáp của năm 2019 được thổi hồn bằng những hơi thở nghệ thuật độc đáo. Như khi thưởng lãm Lợn Mán và Tự họa năm Hợi, bạn sẽ nhận ngay ngôn ngữ hội họa rất đặc trưng của họa sĩ Thành Chương. Đó là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, đậm chất dân gian nhưng cũng rất hiện đại.
Tình xuân của Đăng Thu An lại rực rỡ và vô cùng nữ tính. Còn Sung mãn và Sung túc của Lê Trí Dũng được gợi hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở.
Lần đầu góp mặt tại triển lãm tranh tết, họa sĩ Ngụy Đình Hà giới thiệu với công chúng 2 tác phẩm mới nhất của anh: Du xuân và Vũ điệu mùa xuân. Thưởng lãm những bức tranh này, người xem cảm nhận được ngay bầu không khí tết đến xuân về.
Cùng chung chủ đề tranh con giáp, Hợi Dome - triển lãm đã có lịch sử 5 năm tổ chức vào mỗi dịp tết sắp đến - cũng quy tụ 70 tranh chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic… trên gốm, lọ do các họa sĩ nhóm G39 sáng tác tại lò gốm Bát Tràng (Hà Nội). Giám tuyển của triển lãm là họa sĩ Lê Thiết Cương. Ông cũng là một trong 20 nghệ sĩ góp tác phẩm tại triển lãm.
Một điểm ngẫu nhiên thú vị nhưng dễ hiểu của triển lãm đó là các họa sĩ dùng nhiều gam màu ấm nóng, rực rỡ để thể hiện tác phẩm của mình. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, điều tưởng ngẫu nhiên này lại rất có lý. Bởi lẽ, những sắc màu rực rỡ tương đồng với tính phồn vinh, nảy nở sinh sôi, sung túc, no đủ mà hình tượng con heo mang lại.
Đưa tranh tết gần hơn với cuộc sống đương đại
Nếu trước kia, nhiều người cho rằng tranh tết là thú chơi của những người dư dả, thì giờ đây, quan niệm đó đã thay đổi khi chính các họa sĩ và những người tổ chức có cái nhìn thực tế hơn. Họ đang làm sống dậy một thói quen từ xưa của người Việt: mua tranh tết. Có lẽ vì thế các tác phẩm xuất hiện trong các triển lãm tranh tết cũng dung dị và gần gũi hơn.
Cùng chung tinh thần này, họa sĩ Phạm Hải Hà cho biết, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này có kích thước vừa phải, từ 80 x 100cm trở xuống, phù hợp với công chúng yêu thích nghệ thuật nhưng chưa đủ khả năng mua những tác phẩm lớn.
Với những nét độc đáo riêng, triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” được kỳ vọng sẽ góp thêm sắc xuân cho không gian nghệ thuật Việt; đồng thời đem đến những cái nhìn mới, những chiêm nghiệm thú vị cho khán giả về con giáp Hợi khi bước chân vào ngưỡng cửa 2019.
Giám tuyển của triển lãm “Hợi Dome” Lê Thiết Cương cũng cho hay, hoạt động này ngoài ý nghĩa duy trì triển lãm thường niên vẽ con giáp mà nhóm họa sĩ G39 khởi xướng và tôn vinh ngày Tết Nguyên đán - một nét đẹp của văn hóa dân tộc, thì còn nhằm mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Bởi thế, giám tuyển của triển lãm muốn giới thiệu tới công chúng thứ nghệ thuật “không cao hơn hay thoát ly khỏi đời sống mà là dẫn về đời sống ở ý nghĩa bình dị, cao đẹp của nó”.
Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo vui mừng: “Xưa chỉ các làng tranh dân gian vẽ con giáp, rồi đến một vài cá nhân họa sĩ vẽ, và giờ đây thì cả một tập thể các họa sĩ cùng vẽ khiến dòng tranh này càng sống động, đầy sức hấp dẫn”.
Vậy là cùng với những tranh con giáp quen thuộc trong tranh Đông Hồ, Hàng Trống, giờ đây người yêu nghệ thuật có nhiều hơn những lựa chọn về tranh tết. Cùng đó, tranh tết cũng mở ra cho chính các họa sĩ mảnh đất sáng tạo mới, vừa hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam.