Sau 5 tháng thi công, cầu vượt Dầu Giây (Quốc lộ 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã chính thức cho xe cơ giới lưu thông vào 10 giờ ngày 8-3.
Ngay từ sáng sớm, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Trạm Suối Tre, Công ty CP BT20- Cửu Long điều tiết giao thông khu vực cầu vượt Dâu Giây, tổ chức công nhân tháo dỡ dải phân cách, dùng máy cầu chuyển các khối bên tông dời đi nơi khác, tạo sự thông thoáng cho đường lên cầu. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đặt biển báo cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ lưu thông trên cầu.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Trạm Suối Tre điều tiết giao thông trước giờ thông xe
Ghi nhận của PV báo SGGP, cầu vượt nút giao Dầu Giây đã thi công hoàn chỉnh theo thiết kế và nhà đầu tư đang hoàn chỉnh mặt đường Quốc lộ 1 (hai bên cầu vượt), các nhánh rẽ phạm vi nút giao, hoàn thiện các đảo giao thông.
Máy cẩu di dời dải phân cách ở đầu cầu vượt Dầu Giây
Đúng 10 giờ cùng ngày, theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, hàng trăm xe trọng tải lớn, container, xe bồn, xe khách đã qua cầu. Việc lưu thông tại nút thắt ngã tư Dầu Giây thông thoáng hơn, các phương tiện di chuyển cũng nhanh hơn.
Xe cơ giới bắt đầu di chuyển trên cầu vượt Dầu Giây
Biển cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ đã được đặt trên cầu vượt sáng 8-3
Cầu vượt Dầu Giây là hạng mục chính trong dự án nút giao ngã tư Dầu Giây nằm dọc Quốc lộ 1, rộng 16m với quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư 300 tỷ đồng được khởi công từ tháng 3-2017, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3-2018. Nhưng do khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây mất an toàn giao thông qua khu vực.
Sau khi cho phép các phương tiện cơ giới lưu thông trên cầu vượt Dầu Giây, nhà đầu tư sẽ tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án nút giao ngã tư Dầu Giây vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2022.