Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng vốn đầu tư gần 270 tỷ đồng, khởi công ngày 16-8, mục đích khắc phục những hư hỏng, biến dạng mặt cầu do thời gian khai thác quá dài và thường xuyên bị quá tải phương tiện.
Bộ GTVT cho biết, với các giải pháp khoa học kỹ thuật mới và độ bền tốt nhất, mặt cầu Thăng Long sau khi sửa chữa sẽ có tuổi thọ lên tới 30 năm. Riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám dày 4cm trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 - 10 năm.
Sau khi thông xe, các phương tiện được lưu thông tốc độ tối đa 80km/giờ trên cầu. Việc thông xe cầu Thăng Long đã giảm tải cho cầu Nhật Tân và phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long vừa được khánh thành trong năm 2020.
Cầu Thăng Long được Liên Xô (trước đây) giúp xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5-1985, gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m, có 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ.
Trong thời gian dài khai thác, cầu gánh lưu lượng xe trung bình là 47 nghìn lượt/ngày đêm, tổng tải trọng xe lớn qua cầu chủ yếu hơn 45 tấn trong khi tải trọng cầu cho phép chỉ 30 tấn. Trong những năm gần đây, mặt cầu đã bị hư hỏng nghiêm trọng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành một số đợt sửa chữa lớn, nhỏ nhưng không thể xử lý triệt để.