Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Các địa phương thực hiện nghiêm túc

Ngày 14-2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) bắt đầu có hiệu lực thi hành, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về hoạt động này. Ghi nhận tại các tỉnh thành cho thấy hoạt động bước đầu được “siết” vào khuôn khổ.

Học sinh tham gia lớp học thêm sau giờ học tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Ảnh: MINH THƯ
Học sinh tham gia lớp học thêm sau giờ học tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Ảnh: MINH THƯ

Nâng cao trách nhiệm địa phương

Ngày 14-2, Sở GD-ĐT TP Hà Nội có văn bản gửi các Phòng GD-ĐT, trường phổ thông, cơ sở trực thuộc yêu cầu triển khai nghiêm túc quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là Thông tư 29). Từ ngày 14-2, 100% trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã dừng các hoạt động dạy thêm trong nhà trường. Riêng với học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12), các trường lên kế hoạch bồi dưỡng miễn phí cho học sinh. Thầy Nguyễn Bình Long, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho biết, giáo viên sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh trong giờ học chính khóa, không gây quá tải, đồng thời tạo điều kiện cho các em có thời gian tự học tại nhà. Riêng với học sinh lớp 12 thuộc diện học lực yếu, nhà trường phân công giáo viên có chuyên môn cao ôn tập miễn phí cho học sinh.

Tại TPHCM, tính đến ngày 14-2, 2/22 quận huyện và TP Thủ Đức có văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 29. Trong đó quận 12 giao phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp UBND 11 phường thành lập tổ kiểm tra hoạt động DTHT trong tháng 2-2025. Nếu để xảy ra vi phạm về DTHT, chủ tịch UBND phường, ban giám hiệu các trường công lập, lãnh đạo các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước UBND quận. Tại quận Tân Bình, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, đồng thời tổ chức hoạt động DTHT trong nhà trường đúng quy định. Khi phát hiện sai phạm, hiệu trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về DTHT.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, hiện chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra. Nhà trường phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình. Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu. Tương tự, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh.

Để tháo gỡ khó khăn cho các trường trong việc chi trả kinh phí ôn tập cho học sinh cuối cấp, phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ tài chính cho các trường.

Cấp tập đăng ký kinh doanh

Tính đến 14 giờ ngày 14-2, toàn quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) có 158 hồ sơ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoạt động DTHT, đồng thời tiếp nhận mới 80 hồ sơ.

O7a.jpg
Học sinh Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: THU TÂM

Tại TPHCM, ghi nhận chung tại các quận huyện và TP Thủ Đức cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tăng cao trong tuần qua. Trong đó hồ sơ đăng ký không chỉ tập trung ở các quận trung tâm thành phố mà tăng nhiều ở các quận, huyện ngoại thành như quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Hóc Môn… Theo phản ánh của nhiều giáo viên, UBND quận huyện và TP Thủ Đức đều tạo điều kiện cho người dân đến nộp hồ sơ đăng ký, tuy nhiên nhiều trường hợp hồ sơ bị trả về do thiếu giấy tờ theo quy định. Cô H.M., giáo viên một trường THCS ở quận Gò Vấp chia sẻ, do lo sợ việc đăng ký hộ kinh doanh không kịp thời gian Thông tư 29 có hiệu lực thi hành nên cô đã thuê một công ty dịch vụ thực hiện việc đăng ký. Sau khi cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, sau 7 ngày cô đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do một người nhà đứng tên chủ hộ kinh doanh với chi phí chưa đến 4 triệu đồng.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TPHCM cho hay, hiện nay nhiều giáo viên chọn phương án nhờ người nhà đứng tên chủ hộ kinh doanh để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tổ chức hoạt động DTHT do thủ tục đơn giản, có thể nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến, giấy chứng nhận do Phòng Tài chính - kế hoạch thuộc UBND quận, huyện hoặc TP Thủ Đức cấp. Trong khi đó, nếu đăng ký thành lập công ty hoặc doanh nghiệp thì thời gian cấp phép lâu hơn, giấy phép do Sở KH-ĐT TPHCM cấp. Sau khi được cấp phép thành lập, trong quá trình cơ sở hoạt động, các đơn vị liên ngành sẽ phối hợp kiểm tra các điều kiện hoạt động như phòng ốc, ánh sáng, phương án thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy...

Để tránh thủ tục rườm rà, nhiều giáo viên tìm đến các trung tâm DTHT đã được cấp phép hoạt động để ký hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng được nhận bởi thời điểm hiện tại, số lượng giáo viên tìm đến các trung tâm dạy thêm quá đông, một số trung tâm đã ngưng mở lớp hoặc xảy ra tình trạng giáo viên bị trung tâm “ép” tỷ lệ ăn chia học phí giữa đơn vị tổ chức và người dạy. Một giáo viên dạy Toán ở quận 3 cho biết, trước đây tỷ lệ học phí người này được nhận khi ký hợp đồng dạy thêm tại một trung tâm có quy mô hơn 500 học sinh là 70% học phí người học đóng. Tuy nhiên, trong tuần qua, khi giới thiệu một đồng nghiệp đến ký hợp đồng dạy thêm tại trung tâm này, tỷ lệ đã giảm xuống 50%.

Hiệu trưởng không có thẩm quyền kiểm tra sai phạm

Liên quan yêu cầu quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, hiệu trưởng không có thẩm quyền kiểm tra hoạt động của trung tâm DTHT bởi đơn vị nào cấp phép hoạt động cho trung tâm thì đơn vị đó mới trực tiếp kiểm tra được. Nhà trường chỉ nắm thông tin phản ánh qua phụ huynh, học sinh rồi đi xác minh, nếu phát hiện trường hợp sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) nêu thực tế, khi học sinh đăng ký học thêm tại các trung tâm, việc xếp lớp do bộ phận tuyển sinh của trung tâm đảm nhận dựa theo trình độ, năng lực, thời gian đăng ký học thêm của học sinh. Khi vô tình xếp các em vào lớp có giáo viên đang dạy các em ở trường chính khóa phụ trách giảng dạy nếu không thu tiền những học sinh này thì thiệt thòi cho giáo viên, đồng thời tạo sự không công bằng giữa các học sinh trong lớp.

Tin cùng chuyên mục