Sáng 22-10, Báo Thanh niên tổ chức tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội”.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM; ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM; đại diện Trường ĐH KHXH-NV TPHCM; những nạn nhân từng bị vu vạ, tổn thương tinh thần trước những thông tin bị tung trên mạng xã hội (MXH) và đông đảo sinh viên TPHCM tham dự buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời đưa ra nhiều ý kiến xung quanh thực trạng người dùng MXH có những phát ngôn hoặc bình luận tiêu cực, làm ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân khác.
Theo ông Vũ Phi Long, cứ nói MXH là ảo nhưng chỉ là trước đây, còn bây giờ thì MXH không còn ảo và hậu quả thì hoàn toàn là thật. Về mặt pháp luật, các thông tin trên MXH gọi là dữ liệu điện tử, đây được coi là một chứng cứ pháp luật để xử lý những người có hành vi xâm hại lợi ích của nhà nước, xâm hại lợi ích, nhân phẩm, danh dự của con người, tổ chức, doanh nghiệp, được quy định trong Bộ Luật Hình sự.
Cũng theo ông Long, vu khống là bịa đặt hoàn toàn, từ không có trở thành có nhưng nếu họ dựa vào một phần sự thật để xuyên tạc, dựng chuyện thì đó là hành vi làm nhục người khác. Tất cả những hành vi trên, nếu gây ra hậu quả, xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, cá nhân nào đó thì vẫn bị truy cứu tùy vào mức độ ảnh hưởng.
Từ đó, ông Vũ Phi Long khuyên, nếu nhận thấy mình bị xâm hại một cách nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự thì nạn nhân hãy gửi thông điệp tới đơn vị của người vu khống hoặc yêu cầu pháp luật vào cuộc; đồng thời khẳng định, thông tin trên MXH là chứng cứ trước pháp luật, thậm chí còn là tình tiết tăng nặng hình phạt gấp đôi.
Qua đây, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TPHCM Vũ Phi Long cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết để định danh đầy đủ người dùng MXH, để chủ thể đó phải có trách nhiệm với những thông tin mình đưa ra. Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng mỗi người phải có trách nhiệm với trang MXH của mình, với những ý kiến, bình luận của mình trên mạng.
Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Phi Long, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh khuyên nạn nhân của những vụ vu khống trên mạng, nếu yêu cầu pháp luật vào cuộc thì cần thông qua thừa phát lại để thu thập chứng cứ trên MXH để làm căn cứ cho tòa án xem xét giải quyết vụ án.
Về góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho rằng việc quản lý MXH trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Hiện tội vu khống, làm nhục người khác được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay. Đáng chú ý nhất là Luật An ninh mạng quy định rõ một số nội dung nhằm tránh tình trạng người sử dụng mạng xã hội ẩn danh để làm nhục người khác, quy định về quản lý MXH hoạt động ở Việt Nam cũng như các điều khoản để sử dụng MXH.
Ngoài ra, ông Lê Quốc Cường cũng cho rằng, luật chơi trên MXH do đơn vị sáng lập hoặc do chính cộng đồng mạng đặt ra, nó có thể phù hợp với quốc gia này, không gian văn hóa ở địa phương này nhưng không phù hợp với quốc gia khác, không gian văn hóa ở địa phương khác. Do đó, người dùng phải là người tỉnh táo nhất để không vi phạm luật chơi, vi phạm luật pháp.
Qua buổi tọa đàm, các khách mời phần nào nhận diện được động cơ tiêu cực của hành vi vu khống trục lợi của một số người dùng MXH; các hình thức thông tin mang tính ác ngôn tiêu cực, vu vạ, nhân danh bóc “phốt” nhằm mục tiêu gây tổn hại người khác. Qua đó, cảnh tỉnh cộng đồng mạng, cảnh tỉnh vấn nạn tin giả và hậu quả thật của MXH.