Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát khó kiểm soát tại Indonesia thì các thông tin sai lệch về phương pháp điều trị, đặc biệt là các tin đồn vô căn cứ về một loại “thần dược”, cũng lan nhanh không khác gì virus gây bệnh.
Ivermectin là loại thuốc uống, thường dùng trong điều trị chấy và các loại bệnh do nhiễm ký sinh trùng khác. Do nhu cầu tăng đột biến, các cửa hàng dược trên toàn Indonesia đều đã “cháy” loại thuốc này. Yoyon, một trưởng nhóm kinh doanh dược phẩm tại một khu chợ ở thủ đô Jakarta cho biết, người mua thường đưa cho người bán hình ảnh của thuốc với dòng chú thích ivermectin có thể chữa được người mắc Covid-19. Giá loại thuốc này hiện đã tăng từ 175.000 lên 300.000 rupiah/lọ (12-21 USD/lọ). Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng người dân đã đổ xô đi mua thuốc ivermectin dẫn tới tình trạng khan hiếm nghiêm trọng trên thị trường toàn quốc và giá thuốc cũng bị đẩy lên mức chưa từng có.
Đáng lo ngại là trong số những người góp phần quảng bá cho loại thuốc này có cả những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội. Chính những bài đăng với nội dung khẳng định tác dụng của loại thuốc này trong điều trị người mắc Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội, với sự ủng hộ của những người có ảnh hưởng đã khiến tình trạng trở nên khó kiểm soát.
Bản thân nhà sản xuất Merck đã xác nhận, không có cơ sở khoa học nào chứng minh loại thuốc này có tác dụng điều trị người mắc Covid-19, đồng thời cảnh báo những nguy cơ nếu dùng thuốc không hợp lý. Các nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới và một số cơ quan quản lý dược phẩm, bao gồm cả cơ quan quản lý ở Indonesia cũng nhấn mạnh rằng, chưa có bằng chứng thuyết phục về khả năng thuốc có tác dụng điều trị người mắc Covid-19. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ thậm chí còn cảnh báo nguy cơ từ việc sử dụng thuốc tùy tiện sau khi xuất hiện những ca nhập viện vì lý do này.
Ngoài Indonesia, sự quan tâm đối với thuốc ivermectin cũng tăng lên ở các nước châu Á khác như Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Trước đó, là tại Brazil, Nam Phi và Lebanon. Ở Philippines, ivermectin đã được chấp thuận sử dụng tại một số bệnh viện cho bệnh nhân mắc Covid-19. Còn tin tức ở Ấn Độ cho biết, ít nhất 2 bang đã lên kế hoạch điều trị bằng thuốc này hồi tháng 5. Tại Malaysia, trong khi Bộ Y tế cho biết vẫn đang tiến hành các thử nghiệm ivermectin, một nhóm gồm 6 hiệp hội y tế và sức khỏe đã thúc giục sử dụng thuốc ivermectin. Họ còn cho rằng, quyết định của chính phủ không tán thành loại thuốc này là một “âm mưu chính trị” và nghĩ rằng chính quyền muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp để ngừng cuộc họp quốc hội, tổng tuyển cử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế Malaysia đã ủng hộ quyết định của Bộ Y tế.
Theo báo South China Morning Post, ông Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, nhận định việc các chính trị gia có ảnh hưởng quảng bá loại thuốc này là “rất nguy hiểm”, nhất là khi các tổ chức y tế trên khắp thế giới đã khuyến cáo thận trọng. Chuyên gia này cho rằng, người Indonesia “không muốn đeo khẩu trang nhưng muốn có những giải pháp kỳ diệu. Họ cầu xin các vị thần bảo vệ và tìm kiếm một loại thuốc thần kỳ”.