Mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ về việc lấy ý kiến người dân trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị, nhưng trên thực tế, đa phần người dân không hề được lấy ý kiến, thậm chí nhiều nơi còn khá chật vật để biết được thông tin quy hoạch nơi mình ở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều đồ án quy hoạch thiếu tính khả thi và gây bức xúc cho người dân.
1.001 câu hỏi “tại sao”
Bà Trần Thị Thủy Tiên, ngụ hẻm 15 đường Cầu Xéo (quận Tân Phú) cho biết, hẻm có khoảng 20 hộ sinh sống ổn định, hầu hết đã được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở kiên cố từ 1 - 3 tầng theo đúng giấy phép xây dựng, riêng căn nhà bà Tiên đã được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà từ năm 2003.
Thế nhưng, khi bà Tiên có ý định vay vốn làm ăn, bên ngân hàng đến thẩm định tài sản thì bà “té ngửa” khi biết ngôi nhà của mình bị quy hoạch làm công viên cây xanh - thể dục - thể thao theo quyết định của UBND quận Tân Phú năm 2008. Bà Tiên bức xúc: “10 năm nằm trong quy hoạch, chúng tôi khốn đốn vô cùng, vay vốn làm ăn thì ngân hàng thẳng thừng từ chối. Bức bối quá, tôi treo bảng bán nhà nhưng người mua nhà sau khi lên phường xin thông tin quy hoạch, biết được tình trạng căn nhà cũng một đi không trở lại. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phường, quận cho biết bao giờ thực hiện quy hoạch, nhưng bao nhiêu năm vẫn không có câu trả lời”.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ở quận Tân Phú vẫn còn nhiều diện tích đất kho bãi trống có thể quy hoạch làm công viên cây xanh, công trình công cộng… để hoán đổi với những phần đất công cộng đã vẽ lên nhà dân.
Thậm chí ở nhiều nơi, đồ án quy hoạch chưa được thẩm định, phê duyệt nhưng người dân đã bị hạn chế quyền lợi về nhà đất, do đó thông tin về quy hoạch trở thành tin hành lang, nhiều đồn đoán gây hoang mang cho người dân. Bà Nguyễn Thị Hải, ngụ khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, thuật lại: Năm 2000, nhà đất của bà nằm trong quy hoạch Khu Công nghệ cao, đến năm 2006, quy hoạch được thực hiện, bà bị giải phóng mặt bằng 200m2, còn 141m2 nằm trong diện tự chỉnh trang.
Hộ bà Hải và nhiều hộ khác được tách thửa, cấp GCN quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, thời điểm đó bà Hải thiếu tiền nên chưa xây dựng theo giấy phép; đến năm 2011, bà gom đủ tiền và xin xây dựng trở lại thì quận cho hay nhà bà thuộc quy hoạch đường Man Thiện nối dài nên không được xây dựng mà chỉ được sửa chữa nguyên hiện trạng. Vậy là quyền lợi về nhà đất trong khu vực này được “cởi trói” chẳng bao lâu thì lại tiếp tục bị “siết” khiến người dân ngẩn ngơ!
Quy hoạch có hợp lý hay không?
Ông Nguyễn Văn Tiến, cũng là người dân khu phố 4, chỉ ra rằng trong khu vực này đã có đường Làng Tăng Phú (lộ giới 20m) nối đường Lê Văn Việt và Lã Xuân Oai. Cách đường Làng Tăng Phú khoảng 2km là đường D2, tuyến đường này vừa kết nối xa lộ Hà Nội, vừa chạy dài cắt đường Võ Chí Công, cũng kết nối với đường Lã Xuân Oai. Như vậy, nếu kết nối liên vùng đã có 2 tuyến đường lớn, còn trong khu dân cư hiện hữu thì có 3 tuyến đường là đường 4, đường D3 và đường 494 (lộ giới 16m) kết nối đường Lê Văn Việt và Lã Xuân Oai. Con đường dự kiến mở chỉ cách đường số 4 hiện hữu từ 5m - 6m và cách đường Làng Tăng Phú chỉ vài chục mét, theo người dân thì không được hợp lý và khó hiểu. “Với mật độ đường sá như thế, giao thông trong khu vực hiện nay cực kỳ thông thoáng nếu không muốn nói là quá ít người đi, kết nối ra các khu vực lân cận cũng đầy đủ. Chúng tôi không hiểu tại sao phải mở thêm một tuyến đường lớn nữa để rồi “treo” quyền lợi của người dân?”, ông Tiến đặt vấn đề.
Cần tổ chức lấy ý kiến người dân rộng rãi
Trước những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết Điều 20 của Luật Quy hoạch đã quy định rõ cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch, có trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan, các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt. Các văn bản dưới luật cũng có hướng dẫn về quy chế lấy ý kiến cư dân trong công tác lập quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có thể lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, chẳng hạn tổ trưởng hay trưởng ban điều hành khu phố, chứ chưa tổ chức lấy ý kiến đến từng người dân. Có thể xảy ra trường hợp, những tổ trưởng, ban điều hành khu phố ấy không có nhà đất nằm trong khu vực quy hoạch nên ý kiến chưa chính xác. Việc tổ chức lấy ý kiến người dân rộng rãi là cần thiết và cũng có tác động hai chiều. Xét cho cùng thì quy hoạch cũng để đời sống người dân tốt hơn. “Một số đồ án quy hoạch từ quận, huyện đưa lên, chúng tôi đọc ý kiến người dân và phát hiện rất nhiều ý kiến thấu đáo, từ đó sở bàn lại với quận, huyện chỉnh sửa, trước khi thông qua. Có như vậy thì đồ án quy hoạch khi ban hành mới tạo được sự đồng thuận với người dân, giảm bớt khâu điều chỉnh sau này”, ông Toàn nói.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, xác nhận tuyến đường dự kiến mở tại khu phố 4 có lộ giới 20m theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư hiện hữu phường Tăng Nhơn Phú A, được UBND TP phê duyệt năm 2013. Phòng Quản lý đô thị lý giải, không chỉ riêng khu vực Tăng Nhơn Phú A mà cả quận 9, hệ thống giao thông đều rất yếu: đường mới rất ít, đường hiện hữu thì quá nhỏ và phần lớn là đường nội bộ, tính kết nối liên vùng không cao, những tuyến đường số mà người dân đề cập cũng là đường nội bộ. Trong khi đó thì dân cư và đô thị hóa ngày càng cao. Về việc mở tuyến đường Man Thiện nối dài, quận đã nhiều lần họp bàn với Sở Giao thông Vận tải và phường để thống nhất phương án kết nối giao thông trong khu vực, “Có thể người dân thấy hiện tại giao thông không có vấn đề nhưng quy hoạch là tính đến chuyện tương lai, nếu không mở đường sẽ bị quá tải”, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 9 khẳng định.
Ông Lê Thành Nhân, ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, cũng có nhà đất nằm trong quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Văn Hưởng, cho biết: “Khi có nhu cầu về thông tin quy hoạch, tôi vào website của Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhưng không có bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt của các quận, huyện. Tại sao không đăng tải công khai để đơn giản thủ tục hơn và người dân đỡ phải đi lại? Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị trước khi lập quy hoạch, cán bộ nên đi thực tế cơ sở, khảo sát, đánh giá và tiếp nhận ý kiến của người dân tại khu vực quy hoạch. Có như thế mới đánh giá được quy hoạch có chất lượng và thực tế hay không”, ông Nhân nói .