Thông tin chính thức về nhóm “Bông hồng đen” lấy máu học sinh xét nghiệm HIV

Sáng 22-8, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thông tin chính thức về việc nhóm “Bông hồng đen” (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) lấy mẫu máu của nhiều học sinh để xét nghiệm HIV.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, trên cơ sở báo cáo của địa phương, việc nhóm “Bông hồng đen” triển khai một số dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xét nghiệm HIV tại cộng đồng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm HIV sang người được xét nghiệm HIV.

Một số thành viên nhóm "Bông hồng đen" thực hành lại việc lấy máu

Một số thành viên nhóm "Bông hồng đen" thực hành lại việc lấy máu

Tuy nhiên, Cục phòng chống HIV/AIDS cũng thống nhất kiến nghị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng về tạm dừng hoạt động của nhóm “Bông hồng đen” để thu thập thông tin xác minh sự việc xảy ra vừa qua. Đề nghị Sở Y tế và CDC Hải Phòng quán triệt các tổ chức cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, quy trình chuyên môn, xét nghiệm đúng đối tượng có hành vi nguy cơ trên nguyên tắc tự nguyện.

Đồng thời, đề nghị CDC Hải Phòng tư vấn cho các gia đình, phụ huynh và các cháu đã được xét nghiệm tại nhóm “Bông hồng đen” những thông tin và các vấn đề gia đình đang quan tâm, lo lắng. Đề nghị Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) là đơn vị chủ dự án và nhóm “Bông hồng đen - Cầu vồng đen” rà soát các quy trình dự án nhằm đảm bảo kiểm soát các tổ chức cộng đồng thực hiện đúng các hướng dẫn và các quy định chuyên môn đối với hoạt động tại cộng đồng.

"Bông hồng đen” là một nhóm tự lực, thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tháng 8-2011. Nhóm này hiện triển khai dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng theo thỏa thuận hợp tác số 53-12/2022/HĐTN-SCDI ngày 30-12-2022 của SCDI. Ngoài ra, nhóm còn triển khai một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023.

Các hoạt động của nhóm “Bông hồng đen” liên quan đến Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA bao gồm: tiếp cận khách hàng thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao như người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người bán dâm, người tiêm chích ma túy để truyền thông kiến thức và dịch vụ HIV/AIDS, xét nghiệm HIV tại cộng đồng hoặc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, giới thiệu khách hàng xét nghiệm HIV âm tính đến các dịch vụ dự phòng...

Đối với các thông tin về triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng liên quan đến Dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam”, theo báo cáo ban đầu của CDC Hải Phòng và SCDI, từ ngày 1-1-2023 đến 18-8, số khách hàng được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV là 204 người, kết quả đều âm tính. Độ tuổi người được xét nghiệm HIV có thể không đảm bảo chính xác do người được xét nghiệm tự khai báo, cũng không xuất trình các giấy tờ chứng minh nhân thân.

Kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV được nhóm này thực hiện là sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh. Đây là kỹ thuật đơn giản, sử dụng kim chích máu dùng 1 lần để chích nhẹ đầu ngón tay, sau đó nặn lấy 1 giọt máu để xét nghiệm. Cạnh đó, nhóm còn sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng, tức sử dụng dịch miệng để sàng lọc HIV.

Hai kỹ thuật trên đã được WHO khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm tại cộng đồng và Hướng dẫn các kỹ thuật xét nghiệm HIV, trong đó cho phép sử dụng 2 kỹ thuật này sàng lọc tại cộng đồng do đơn giản, dễ thực hiện và đảm bảo không gây lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Liên quan việc trả tiền người được làm xét nghiệm, thông tin từ SCDI cho biết, trong kế hoạch hoạt động, nhà tài trợ đồng ý chi trả 100.000 đồng, đây là tiền hỗ trợ đi lại và chi trả 25.000 đồng khi giới thiệu một người khác tham gia. Do đó, việc nhóm chi trả cho người tham gia xét nghiệm đúng với đề cương của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục