Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, được xây dựng với kỳ vọng tạo ra “bệ phóng” cho 3 “đầu tàu kinh tế”, bên cạnh cơ chế đặc biệt về tổ chức chính quyền, dự thảo luật còn đặc biệt chú trọng đến các quy định về ngành nghề ưu tiên, điều kiện kinh doanh… nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Trong đó, liên quan đến các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, dự thảo đã được rà soát và chỉnh lý bổ sung một số ngành nghề. Đối với đặc khu Vân Đồn, bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính quốc tế và logistics.
Đối với đặc khu Bắc Vân Phong, bổ sung ngành, nghề sản xuất sản phẩm phục vụ quan trắc, giám sát biển, hải dương; chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, sinh học và sinh thái biển, cơ học và công trình biển. Đối với đặc khu Phú Quốc, bổ sung ngành, nghề nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, để tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu, dự thảo luật đã bổ sung quy định, Chủ tịch UBND đặc khu có thẩm quyền rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu đối với khu chức năng thuộc đặc khu; sửa đổi, bãi bỏ một hoặc một số điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng tại đặc khu hoặc khu chức năng thuộc đặc khu.
Quan trọng không kém, các quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh trong dự thảo luật đã được chỉnh lý một cách cơ bản với 11 điều theo hướng thay thế thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với hầu hết dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách bằng việc xem xét, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, thực hiện phân quyền xem xét, quyết định dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ trong quản lý đầu tư kinh doanh, sau khi rà soát và chỉnh lý, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu bao gồm 131 ngành, nghề - tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo luật đã trình Quốc hội. Dự thảo cũng đã bỏ quy định về việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, mà áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành.
Một nội dung khác cũng đã được thể hiện chặt chẽ hơn, đó là tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể là bổ sung các tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị, có cam kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu… Tiến trình điều chỉnh ưu đãi đầu tư và các chính sách đặc thù một khi nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng các điều kiện cần thiết cũng đã được xác định rõ.
Những điều chỉnh này, theo nhiều đại biểu Quốc hội, là xác đáng, tạo ra sự công bằng trong môi trường đầu tư, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu tạo động lực phát triển với yêu cầu quản lý nhà nước.