Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, thời gian qua đã thực hiện sơ kết việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với thành phố Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, các Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ kịp thời ban hành cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Do vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với các địa phương này là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng.
Thứ hai, về đề nghị có nghị quyết đặc thù cho từng vùng, miền, có cơ chế ưu đãi cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, UBTVQH nhận thấy, căn cứ vào pháp luật hiện hành, việc phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đều đã dựa trên các tiêu chí phân loại vùng, miền để có chính sách phù hợp. Đối với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, hiện đã được xếp vào khu vực ưu tiên theo các Nghị quyết của UBTVQH về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển và đang là đối tượng thụ hưởng của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều dự án đã được bố trí vốn đầu tư công theo hướng ưu tiên.
Thứ ba, về đánh giá ảnh hưởng đối với thu ngân sách, trong hồ sơ các dự thảo Nghị quyết của cả 4 địa phương đều đã có Báo cáo đánh giá tác động toàn diện, trong đó có tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), theo đó với cơ chế như Nghị quyết thì sẽ không tác động lớn đến số thu ngân sách trung ương (NSTƯ) và bảo đảm cân đối chung vì việc bổ sung có mục tiêu chỉ thực hiện khi NSTƯ không hụt thu và số bổ sung không vượt quá tổng số tăng thu NSTƯ trên địa bàn so với năm trước. Tỷ lệ vay hằng năm được khống chế trên cơ sở mức trần bội chi (bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) ở mức 0,3% tổng bội chi NSNN).
Bên cạnh đó, tỷ lệ bổ sung chi thường xuyên đã được tính toán khi xây dựng Nghị quyết về định mức chi thường xuyên… Việc áp dụng Nghị quyết sẽ không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTƯ.