Ngày 14-11, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM và đại diện lãnh đạo các sở ban ngành TPHCM.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức nhận định: “Cơ sở chính trị và pháp lý cho việc thành lập thành phố Thủ Đức đã rất đầy đủ”.
Ông Phạm Trí Thức cho biết thêm, ngày 10-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và UBND TPHCM về việc công nhận kết quả rà soát đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1.
Tán thành cả 2 nội dung trong Tờ trình của Chính phủ (sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức), ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) lưu ý về sự đồng bộ của Đề án với nghị quyết về cơ chế chính sách cho TPHCM (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10).
ĐB Lê Xuân Thân cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành nghị quyết riêng về việc thành lập thành phố Thủ Đức, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập “thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” thay vì bao gồm cả 2 nội dung (sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức).
Cho biết trong khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức vẫn còn một số khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị chính quyền TPHCM tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tạo đà phát triển cho thành phố mới.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Quyền cũng bày tỏ ủng hộ Đề án: “Lập thành phố trong thành phố là việc chưa có tiền lệ, nhưng đây chính là thời điểm thích hợp, vì đang trong xu thế sắp xếp lại đơn vị hành chính”. Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Quyền còn phân vân về quy mô quá nhỏ so với tiêu chí của một số phường mới thành lập.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan tâm đến công tác sắp xếp, củng cố đội ngũ cán bộ công chức sau khi thành lập thành phố, đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả…
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc để thẩm tra Đề án.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng giải thích thêm về quy mô diện tích và dân số của các phường mới dự kiến thành lập, theo đó, TPHCM là một đô thị nén, với lượng người nhập cư đông đúc.
“Mặc dù số nhân khẩu thường trú đăng ký tại TPHCM chỉ là trên 9 triệu người, nhưng thực tế sinh sống lên đến 13 triệu người. Khi lập Đề án, Thành phố đã có sự cân nhắc, báo cáo Thành ủy TPHCM và xin ý kiến nhân dân để lựa chọn phương án khả thi nhất”.
“Khu công nghệ cao có năng suất cao gấp 30 lần bình quân năng suất lao động quốc gia. Khu vực này lại có Trường Đại học Quốc gia TPHCM và nhiều cơ sở đào tạo uy tín khác nên có tiềm năng trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao ngang tầm quốc tế”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Giải đáp thêm về việc tên phường An Khánh mới (trên cơ sở nhập các phường Bình Khánh và Bình An) dễ gây nhầm lẫn với phường An Khánh cũ (quận 2) sẽ sáp nhập vào phường Thủ Thiêm, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là nguyện vọng của người dân sở tại muốn giữ lại địa danh đã tồn tại từ lâu…