Cụ thể, Bộ GTVT thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc Vành đai 4 TPHCM đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc, có tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa 2 chiều xe chạy.
Riêng đối với đoạn Vành đai 4 TPHCM đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Về cơ chế, chính sách, theo Bộ GTVT và UBND các tỉnh và thành phố, do tổng mức đầu tư của các dự án thành phần rất lớn, qua nhiều địa phương, cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Vì vậy, Bộ GTVT và các địa phương thống nhất cần báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ và báo cáo Thủ tướng về chủ trương xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TPHCM để trình Quốc hội.
Bộ GTVT và UBND các tỉnh cũng thống nhất đề nghị UBND TPHCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để thực hiện tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ quan đầu mối sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án để báo cáo xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tại cuộc họp gần nhất.
Bộ GTVT đề nghị UBND TPHCM và các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý 3- 2024.