Nghị định 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngay khi ban hành vào ngày 20-8 thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP. Điểm khác cơ bản là thống nhất đầu mối và chịu trách nhiệm chung về quản lý phân bón thuộc Bộ NN-PTNT. Trước đó Bộ Công thương phụ trách phân bón vô cơ, Bộ NN-PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác.
“Nấm mọc sau mưa”
Có thể nói, Nghị định 108 được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ với kỳ vọng chấm dứt sự rối ren trong việc quản lý phân bón.
Theo Cục Bảo vệ thực vật thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động, gồm 545 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ (tổng công suất hơn 26 triệu tấn/năm) do Bộ Công thương cấp phép và 161 cơ cở sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác (hơn 2,5 triệu tấn/năm) do Bộ NN-PTNT cấp phép.
Số lượng sản phẩm phân bón đã công bố hợp quy đến tháng 1-2017 là 6.052 sản phẩm (trong đó có 5.675 sản phẩm phân bón vô cơ do Bộ Công thương tổng hợp và công bố, 377 phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ NN-PTNT tổng hợp và công bố).
Vậy mà sau 8 tháng, đến thời điểm tiếp nhận bàn giao từ Bộ Công thương (theo Nghị định 108) số lượng sản phẩm phân bón công bố hợp quy tăng đến chóng mặt, lên đến 14.174 sản phẩm (sản phẩm phân bón hỗn hợp NPK chiếm 12.000), gấp gần 2,5 lần so với thời điểm tháng 1-2017, trong số đó phân bón vô cơ tăng 7.748 sản phẩm, phân bón hữu cơ và phân bón khác tăng 374 sản phẩm.
Sản xuất phân urê của Nhà máy đạm Phú Mỹ (thuộc PVFCCo)
Nhưng theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chưa dừng lại con số đó, trong thời gian tới có khả năng lên đến khoảng 20.000 sản phẩm. Vào năm 2014, thời điểm Nghị định 202 có hiệu lực, cả nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất với trên 2.000 chủng loại phân bón khác nhau, trong đó khoảng 1.700 loại là phân bón hỗn hợp NPK.
Với việc giao trách nhiệm quản lý cho 2 bộ theo Nghị định 202 không chỉ làm cho doanh nghiệp bị rối trong việc lo chạy thủ tục để sản phẩm được chứng nhận hợp quy mà cả nhà quản lý cũng bị rối vì sự chồng chéo.
Cũng theo nhận định của Cục Bảo vệ thực vật, phân bón là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện; quản lý chất lượng phân bón theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vậy nhưng, các quy chuẩn kỹ thuật về phân bón vẫn chưa được ban hành, không thể kiểm soát được chất lượng; công thức phân bón mới được phép lưu hành mà chưa được cơ quan nào thẩm định tính khoa học, xác thực và hiệu quả; việc khảo nghiệm phân bón chưa được quy định rõ ràng.
Quản lý kinh doanh phân bón bị buông lỏng, các cơ sở kinh doanh hoạt động tự phát, không có sự quản lý của cơ quan nhà nước chuyên ngành; về nội dung ghi nhãn và quảng cáo phân bón chưa được chú trọng; quản lý sử dụng phân bón chưa quan tâm, chưa đề ra nguyên tắc sử dụng, trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong khi vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý kinh doanh và sử dụng phân bón bị hạn chế do chưa phân cấp, quy định rõ trách nhiệm. Vì vậy tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón không bảo đảm chất lượng; phân bón giả; quảng cáo không đúng công dụng xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội.
Số lượng phòng thử nghiệm được chỉ định hoạt động lĩnh vực này là hơn 40 phòng, phần lớn được chỉ định thực hiện thử nghiệm phân bón vô cơ (39 phòng). Số lượng phòng thử nghiệm chất lượng phân bón khá lớn, nhưng chất lượng thử nghiệm của các phòng còn nhiều vấn đề phải xem xét.
Một số phòng thử nghiệm trang thiết bị rất cũ, không cập nhật các phương pháp thử mới. Số khác thì tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên chưa ổn định, nhân sự thay đổi liên tục không đảm bảo chất lượng thử nghiệm. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu, công bố và chứng nhận hợp quy, xử lý vi phạm.
Chống phân bón giả cần con người thật
Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực ngay, cần tuân thủ nghiêm túc các quy định, nhất là vai trò chuyển giao. Đảm bảo tính liên tục, kế thừa Nghị định 202.
Vấn đề quan trọng là chất lượng phân bón và cơ chế quản lý. Nếu có điểm chưa rõ, gặp khó khăn cần gửi văn bản về Bộ NN-PTNT để xử lý kịp thời vướng mắc.
Ngoài nội dung về quản lý, việc chế tài, xử lý cũng rất quan trọng, có thể là chế tài hành chính, kể cả hình sự. Vì vậy, ngoài Nghị định 108, Bộ NN-PTNT còn dự thảo quy định xử phạt cụ thể hóa những vi phạm.
Đại diện Văn phòng Chính phủ hy vọng Nghị định 108 vừa hạn chế tình trạng phân bón giả, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính.
Dưới góc nhìn của nhà khoa học và nhà sản xuất phân bón, vẫn còn một số vấn đề lấn cấn. Ý kiến của một nhà chuyên môn cho rằng, nếu khảo nghiệm mà 99,9% là đạt yêu cầu thì khảo nghiệm để làm gì, làm mất thời gian công sức và tiền của.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng, sẽ có hội nghị vùng để làm rõ nhiệm vụ địa phương; việc chuyển giao có tính kế thừa không làm gián đoạn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất. Sẽ tổng kiểm tra, rà soát cơ sở cũng như các tổ chức chứng nhận hợp quy về quy trình và chất lượng công nhận.
Khi áp dụng các quy định của Nghị định 108 sẽ giúp loại bỏ bớt không ít sản phẩm được công nhận trước đó.
Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, chỉ có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất ra hơn 1.000 sản phẩm phân bón các loại. Mục đích cuối cùng là để cho người nông dân có thể sử dụng phân bón hiệu quả và tiết kiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), cho rằng, bên cạnh việc quản chặt khâu ban đầu như Nghị định 108, cũng cần quan tâm đến khâu hậu kiểm. Ngoài ra, còn khá nhiều thủ tục nên tinh gọn lại.
Đồng quan điểm này, một doanh nhân cho biết, Chính phủ và các bộ đang giảm nhiều thủ tục gây phiên hà cho doanh nghiệp, nhưng Nghị định 108 vẫn còn khá nhiều thủ tục về sản xuất phân bón, có thể gây ách tắc khi triển khai.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, Nghị định 108 kỳ vọng ngăn chặn quốc nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng nên phải có giải pháp thực thụ. Nhưng để ngăn chặn phân bón giả, trước hết phải có con người thật. Rất cần con người có kiến thức chuyên môn, có trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để trong quá trình thực hiện Nghị định 108 sẽ tiếp tục có những cập nhật mới cho phù hợp với thực tế. Quy định trên lý thuyết suy cho cùng không quan trọng bằng thái độ và ý thức (đạo đức công vụ) của người quản lý. Một nhà khoa học đã nhận xét.