Tại phiên họp, nhiều đại biểu nêu ý kiến góp ý về một số vấn đề như: giáo dục thường xuyên; trình độ chuẩn của giáo viên mầm non; lương nhà giáo; phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc...
Về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí tiếp thu ý kiến nhân dân về việc nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng. Đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non không chỉ được quyết định bởi trình độ đào tạo mà còn cần kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm và những phẩm chất khác như sự tâm huyết, lòng yêu nghề, tình yêu thương đối với trẻ. Mặt khác, đây là chính sách tác động tới đông đảo các nhà giáo và các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.
Theo Thường trực Ủy ban, cần quy định theo hướng mở để tạo sự linh hoạt khi triển khai thực hiện đối với các vị trí việc làm trong các cơ sở mầm non, các nhóm trẻ. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc và lộ trình để việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo trình độ đào tạo được thực hiện một cách hợp lý, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến công tác tổ chức cũng như hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo bảo đảm chất lượng và yêu cầu nghề nghiệp, tránh hình thức, chạy theo thành tích, văn bằng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với giáo dục mầm non, hiện nay một trường học có lớp nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Các giáo viên được đào tạo cả về kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy trẻ. Vì vậy đào tạo trình độ nâng chuẩn cho giáo viên dạy trong các trường mầm non lên cao đẳng là phù hợp với thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình thống nhất với đề xuất của dự thảo luật là trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là từ cao đẳng trở lên nhưng phải có lộ trình thực hiện. Việc sửa Luật Giáo dục hiện hành cũng cần thống nhất với các luật khác.