Thống nhất cách hiểu luật để triển khai suôn sẻ

Để Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1-7, Bộ TN-MT đang khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương các cấp gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, từ góc nhìn doanh nghiệp, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật (dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 5 này) vẫn còn một số điểm được coi là có thể làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Đơn cử, theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIFPA), liên quan đến hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2024 có nội dung: “HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung cho rằng, đây là quy định mang tính định tính, cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí ở cấp nghị định để có thể thực hiện được, tránh trường hợp mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Quy trình công bố dự án cũng có điểm không thống nhất với pháp luật có liên quan, rất có thể dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý. Theo Điều 66 dự thảo nghị định, việc công bố danh mục các khu đất sẽ đấu thầu dự án có sử dụng đất được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành đến khi HĐND cấp tỉnh quyết định danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án. Trong khi đó, Điều 7 và Điều 8, Luật Đấu thầu năm 2024 về lựa chọn nhà đầu tư chỉ quy định “công bố dự án đầu tư kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 5 ngày làm việc sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt thông tin dự án đầu tư kinh doanh”.

Về việc xử lý trường hợp hủy kết quả trúng thầu, dự thảo chỉ quy định việc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư trong trường hợp hủy thầu do nhà đầu tư không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư trong thời hạn cho phép (6 tháng) mà chưa quy định trách nhiệm của nhà đầu tư trong trường hợp này, trong khi góp vốn là một trong những nghĩa vụ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án…

Đấu giá quyền sử dụng đất cũng là một lĩnh vực được doanh nghiệp hết sức quan tâm. Luật Đất đai năm 2024 nêu rõ, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Cụ thể, Luật Đấu giá tài sản quy định “khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá”. Tuy nhiên, dự thảo nghị định lại “chốt” chặt: “Tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá”.

Cho dù mục đích là để đảm bảo việc tham gia và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ thể khi tham gia đấu giá, thì độ “vênh” giữa các quy định pháp luật về vấn đề này cần phải được xử lý. Sự thiếu vắng các quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; nội dung về giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa rõ ràng có thể dẫn đến cách hiểu sai khác về áp dụng quy định pháp luật cũng là những lo ngại được doanh nghiệp gửi đến cơ quan soạn thảo nghị định.

Tin cùng chuyên mục