Đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu; đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận do đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình trao đổi hợp tác với tỉnh Ninh Thuận |
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ và thông qua chương trình hợp tác với TPHCM, nền kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực tăng nhanh, tạo được diện mạo mới, sức bật mới, lĩnh vực hợp tác được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả, góp phần biến các khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 45 dự án của các doanh nghiệp TPHCM đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2014-2022 có 24 dự án, tổng vốn đầu tư trên 31.500 tỷ đồng, trên các lĩnh vực, gồm: năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, nông nghiệp, du lịch, lao động, việc làm, y tế, giáo dục đào tạo,…
Qua đó khẳng định chủ trương hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TPHCM hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề phát triển hợp tác lâu dài giữa hai địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ với lãnh đạo và các doanh nghiệp của TPHCM |
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận và TPHCM, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất 5 lĩnh vực hợp tác chung theo đề xuất của UBND TPHCM, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, tiềm năng về năng lượng tái tạo của địa phương còn rất lớn; quỹ đất ven biển của tỉnh còn tới hơn 18.000ha; giá đất thuộc dạng rẻ nhất cả nước; địa phương còn là “thủ phủ” của táo, nho, cừu, măng tây, tỏi của cả nước;… Do đó, tỉnh Ninh Thuận mong muốn các doanh nghiệp TPHCM quan tâm những thế mạnh này để đầu tư.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam trao quà lưu niệm |
Nhằm hiện thực hóa các chương trình hợp tác, các sở, ngành và doanh nghiệp của TPHCM cũng đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn lao động có trình độ nhằm phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp giấy phép xây dựng cần được nhanh chóng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất cao với 5 lĩnh vực đề xuất hợp tác giữa thành phố và tỉnh Ninh Thuận. TPHCM xác định trách nhiệm của mình, tích cực triển khai các nội dung thỏa thuận; đồng thời sẽ thể hiện sự chủ động trong phối hợp triển khai chương trình với tỉnh Ninh Thuận.
“TPHCM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các doanh nghiệp của thành phố trong việc đầu tư, cũng như triển khai các chương hợp tác tại tỉnh Ninh Thuận. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp TPHCM, lãnh đạo các sở, ngành của hai địa phương tích cực triển khai các lĩnh vực đã đề xuất đã nêu”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Ký kết hợp tác giữa cảng Sài Gòn và cảng Cà Ná |
Kết thúc chương trình, lãnh đạo TPHCM và tỉnh Ninh Thuận đã chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác, kinh doanh và phát triển chuỗi logistics giữa cảng Sài Gòn (TPHCM) và cảng Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận).
Cùng ngày, tại tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư thương mại giữa TPHCM và các tỉnh vùng duyên Hải Nam Trung bộ, gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ diễn ra vào sáng 15-4, tại tỉnh Khánh Hòa.
Ký kết hợp đồng giao thương giữa các doanh nghiệp tại hội nghị |
Điều phối tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết tinh thần của TPHCM là muốn phát triển được là phải gắn kết với các tỉnh. Hiện nay, kinh tế hàng hóa không có sự giới hạn. Do đó, doanh nghiệp, người dân cần sử dụng lợi thế này để kết nối, phát triển. Đặc biệt là kết nối các thành viên với nhau, giúp đỡ nhau đôi bên cùng có lợi. Mặc khác, doanh nghiệp phải cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm; nhà bán hàng cố gắng hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị, mong muốn được mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng đề nghị Sở Công thương tập hợp ý kiến trong hội nghị để đưa ra các kiến nghị đến chính quyền TPHCM và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ với tiêu chí làm thực chất, hành động cụ thể các chương trình hợp tác, đạt hiệu quả cao.
Dịp này, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các địa phương, hệ thống phân phối tại TPHCM đã ký kết 28 hợp đồng và 18 biên bản ghi nhớ giao thương với các doanh nghiệp cung ứng của các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ.