Những câu hỏi và băn khoăn về ứng dụng Bluezone được ông Trần Việt Hải, Tổng Giám đốc Bkav Electronic - Nhóm phát triển ứng dụng Bluezone, trả lời cụ thể qua trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
* Phóng viên: Xin ông cho biết cách thức hoạt động của Bluezone?
Mọi thông tin vị trícác trường hợp F0 sẽ được cơ quan y tế có thẩm quyền cập nhật liên tục đối với cộng đồng Bluezone. Ứng dụng cũng sẽ ghi nhận những trường hợp tiếp xúc với F0, đưa ra cảnh báo nguy cơ bị lây nhiễm và tư vấn những cơ sở y tế gần nhất có thể liên hệ.
*Bluezone hoạt động thế nào để tìm ra người nghi mắc Covid-19?
* Chúng ta hình dung: Để đảm bảo phòng dịch, sau khi phát hiện bệnh nhân F0, cơ quan chức năng phải rà soát lịch sử đi lại và tiếp xúc của người này để tìm người có khả năng bị lây nhiễm. Thực tế hiện nay, một số trường hợp có lịch sử đi lại khá nhiều nên không thể thống kê hết những người đã tiếp xúc dẫn đến việc truy vết người nghi nhiễm mất thời gian nhưng vẫn sót.
Ứng dụng Bluezone tự động thống kê và ghi lại việc tiếp xúc giữa những người đã cài đặt Bluezone. Lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng Bluezone sẽ cho biết một người đã từng tiếp xúc với ai, lúc nào. Hai người được Bluezone xác định là có tiếp xúc với nhau nếu cả hai đều cài đặt và bật ứng dụng Bluezone trên smartphone, ở cạnh nhau khoảng cách dưới 2m và liên tục 15 phút trở lên.
Khi dùng Bluezone có thể thấy ngay thông tin cá nhân được mã hóa dưới dạng mã ID, mã này sẽ thay đổi liên tục để bảo đảm bảo mật. Người dùng Bluezone khác chỉ nhìn thấy một phần mã ID của người tiếp xúc gần, nên loại trừ khả năng người nào đó bị kẻ xấu sao chép mã ID. Khi có một ca F0, mã ID của ứng dụng Bluezone trên máy người bệnh sẽ được gửi tới cộng đồng người dùng Bluezone. Ứng dụng sẽ tự so sánh đoạn mã này với lịch sử tiếp xúc trên thiết bị của bạn. Trong trường hợp trùng khớp, Bluezone sẽ thông tin cho biết chủ nhân máy đã trở thành F1.
* Ông có thể nói rõ hơn những ưu điểm của Bluezone?
* Hiện thế giới có 3 công nghệ phổ biến xác định việc tiếp xúc gần, đó là định vị qua trạm BTS (Trạm thu phát sóng di động), định vị GPS (Hệ thống định vị toàn cầu) và qua kết nối Bluetooth. Với trạm BTS, độ chính xác của công nghệ này là khoảng 200m ở thành phố lớn và 400m ở khu vực nông thôn. Đây là công nghệ đã được sử dụng trong đợt bùng phát Covid-19 vừa qua tại Đà Nẵng. Nếu dựa theo BTS, khu vực thực tế phải kiểm soát rất lớn. Với công nghệ GPS, độ chính xác trong phạm vi 10 - 20m. Tuy nhiên, độ chính xác của GPS giảm xuống khi người dùng ở trong nhà. Bên cạnh đó, GPS sẽ xâm phạm tới quyền riêng tư của người sử dụng.
Ứng dụng Bluezone cảnh báo cho người dùng ngay cả khi điện thoại đặt trong túi, tắt màn hình. Việc ghi nhận hoàn toàn tự động, luôn đảm bảo tính riêng tư vì mã số truyền giữa hai điện thoại thay đổi liên tục, không định danh. Thực tế, công nghệ giám sát tiếp xúc gần bằng Bluetooth có độ chính xác khoảng 2m và không xâm phạm tới quyền riêng tư của mọi người. Do đó, Bộ TT-TT đã chọn công nghệ này và phát triển nên ứng dụng Bluezone để truy vết người nghi nhiễm Covid-19.
Đề nghị người dân cài đặt Bluezone Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Y tế và nhiều tỉnh thành cả nước khuyến cáo người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình. Tham gia cộng đồng Bluezone được thực hiện bằng cách tải ứng dụng này, cài đặt trên điện thoại và thiết bị của người dùng phải luôn bật Bluetooth để đảm bảo hoạt động. Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), đến nay đã có hơn 10 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone từ 2 kho ứng dụng Android và iOS. Số người tải ứng dụng Bluezone đã gấp đôi, từ 4,75 triệu lượt ngày 5-8 lên 10 triệu lượt tải ngày 6-8. Để bảo vệ cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị người dân cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone. Đây hiện là phương thức hiệu quả và ít tốn kém nhất, nhằm đối phó với Covid-19. Càng nhiều người dùng ứng dụng, hiệu quả bảo vệ của ứng dụng sẽ càng cao. Bluezone sẽ bảo vệ cộng đồng hiệu quả khi số người dùng đạt trên 60% dân số. |