Chiều 12-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm trần lãi suất huy động VND đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên xuống còn 13%/năm; lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa là 5%/năm. Những mức lãi suất này được áp dụng từ hôm nay 13-3. Thống đốc NHNN Việt Nam NGUYỄN VĂN BÌNH đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa Thống đốc, trong bối cảnh lạm phát vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng vừa tăng 10%, liệu việc giảm lãi suất có phù hợp?
* Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH: Chúng ta thấy rằng lạm phát từ tháng 8-2011 trở lại đây có chiều hướng giảm. Đây là tín hiệu tốt, tiền đề để hạ lãi suất. Nhưng đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là thanh khoản hệ thống ngân hàng. Hiện nay, thanh khoản đã được cải thiện, đã có điều kiện cần và đủ để giảm mặt bằng lãi suất. Ở một góc độ nào đó, lãi suất ngân hàng có thể giảm sớm hơn, khoảng từ giữa tháng 2-2012, nhưng chúng tôi cần thấy chiều hướng thị trường bộc lộ rõ, chính sách cần thận trọng để phát huy hiệu quả. Hiện các ngân hàng lớn, trung bình, nhỏ hoạt động lành mạnh đều đồng loạt có các chương trình giảm lãi suất cho vay. Trước đây có hiện tượng phổ biến là các tổ chức tín dụng huy động vốn VND ở mức 14%/năm và USD ở mức 2%/năm. Tức là lãi suất huy động chỉ có 1 mức thôi. Nay, một số tổ chức tín dụng niêm yết với các mức lãi suất khác nhau; thậm chí có tổ chức tín dụng huy động 1 tháng chỉ còn 12% - 13%/năm. Trong trào lưu chung như vậy, cũng như phân tích các yếu tố trong hệ thống, nên NHNN cho rằng thời điểm này là hợp lý để hạ mặt bằng lãi suất.
| |
* Việc giảm trần lãi suất huy động 1% sẽ ảnh hưởng thế nào đến mặt bằng lãi suất trên thị trường?
* Khi NHNN chưa quyết định giảm lãi suất trên thị trường đã có chuyển biến tích cực; nay đồng loạt giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có các nguồn vốn rẻ hơn để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Lãi suất huy động ở mức 14%/năm, lãi suất cho vay ở mức 17% - 19%/năm. Nay giảm lãi suất huy động xuống 13% thì lãi suất cho vay sẽ giảm xuống mức 16% - 18%/năm. Theo kỳ vọng lạm phát, xu hướng chung sắp tới thì lãi suất cho vay sẽ giảm xuống mức từ 14,5% - 16,5%/năm. Đó là mong muốn và dự tính của NHNN. Mức lãi suất này, so với thời gian qua thì thấp, nhưng so với năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn cao. Muốn tiếp tục giảm lãi suất thì phải tiếp tục “đấu tranh” với lạm phát. Nếu tiếp tục hạ được lạm phát thì trung bình mỗi quý sẽ giảm được 1% lãi suất. Và sau đó là bỏ trần lãi suất huy động.
* Nếu lạm phát tăng thì lãi suất có tăng trở lại?
* Giảm lãi suất lần này trong bối cảnh tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là năng lượng. Theo Bộ Tài chính, giá xăng tăng 10% thì ảnh hưởng tới lạm phát đến cuối năm là 0,84%. Với mức như thế cũng không phải là ảnh hưởng quá lớn. Giả sử lạm phát lại lên thì lãi suất sẽ ra sao? Trước hết, phải khẳng định rằng, nếu lạm phát lên trong 1 tháng hay thời gian ngắn mang tính hiện tượng thì không phải bản chất, nhưng nếu tăng mang tính ổn định thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải điều chỉnh. Nếu lạm phát tăng lên ổn định và khách quan, thì lãi suất sẽ điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình năm nay, chiều hướng đó xảy ra là rất thấp.
* Việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này là nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng?
* Năm 2011 chúng ta đã có những bài học, kinh nghiệm rút ra để điều hành 2012. Mục tiêu xuyên suốt, hàng đầu mà Chính phủ đặt ra là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Là nước dân số trẻ, Việt Nam cần phải có sự tăng trưởng nhất định để tạo công ăn việc làm. Nhưng việc giảm lãi suất lần này là giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. Việc hạ lãi suất cũng giúp cho kỳ vọng lạm phát, kỳ vọng vào ổn định kinh tế tốt hơn.
| |
BẢO MINH