Tại các kỳ báo cáo trước đây, Bộ Tài chính Mỹ xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, ở kỳ Báo cáo tháng 5-2019, số lượng đối tác thương mại được xem xét tăng lên 21 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt trên 40 tỷ USD, trong đó có Việt Nam. Tại báo cáo này, cơ quan giám sát tài chính Mỹ nêu tên Việt Nam cùng 8 quốc gia khác trong danh sách các đối tác thương mại cần giám sát. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có tên trong danh sách này do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Về vấn đề này, trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sáng 6-6, ĐB Hoàng Quang Hàm, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp của Chính phủ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ. Chính phủ đã dự liệu được tình huống này và giải pháp ra sao? Có cần thiết giao một cơ quan đặc trách tham mưu cho Chính phủ hay không?", ông hỏi.
Với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời thay. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngày 29-5 Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam. Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP. Việt Nam thuộc diện 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
“Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước trên thao túng tiền tệ. Việt Nam đã cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm nhất quán điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không cân bằng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. Thực tế, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khuyến nghị chính sách và những khuyến nghị này tương đồng với khuyến nghị mà IMF đã đưa ra, và cũng nằm trong lộ trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành. Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cần thiết với phía Mỹ về vấn đề này.