Sau phần thảo luận của các ĐBQH về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, cuối giờ sáng nay 7-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
Ông Lê Minh Hưng cho hay nền kinh tế còn khó khăn, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh. Một yếu tố khá quan trọng khác là thị trường BĐS có thời gian dài trầm lắng. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả còn thấp, nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài đã khiến các doanh nghiệp này vô cùng khó khăn. Thực tế đó đã gián tiếp và trực tiếp gây ra nợ xấu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua các chính sách vĩ mô còn thiếu ổn định, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. “Đáng chú ý là như nhiều ĐBQH nêu, nhiều khách hàng vay ngân hàng còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ” - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thống đốc cũng báo cáo thêm, thời gian qua thông qua công tác thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra. Từ năm 2011-2016, theo thống kê của Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.