Vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Phạm Quốc Toàn vẫn tả xung hữu đột “trên cánh đồng” chữ nghĩa. Mùa thu năm 2019, Phạm Quốc Toàn trình làng tập sách mới Cá chép hóa rồng (NXB Văn hóa - Văn nghệ) dày 300 trang. Đây là tập sách thứ 13 (kể từ năm 2012) của nhà báo khởi nghiệp từ Báo Quân đội Nhân dân, sinh ra từ làng Phúc Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh), nơi có cây dó trầm đặc chủng và giống bưởi nổi tiếng từ thời Nguyễn.
Và, hình như sở trường, thế mạnh ấy của nhà báo họ Phạm, sau các tác phẩm Tôi nói bằng mồm tôi, Con voi chui lọt lỗ kim, Đời và nghề, nay lại được tác giả trình làng trong tập tiểu luận và tiểu phẩm mang hơi thở hừng hực của cuộc sống Cá chép hóa rồng. Tôi đọc một mạch Cá chép hóa rồng và ngỡ ngàng khi thấy những vấn đề thời sự nóng hổi trong nước và quốc tế được tác giả đưa vào sách như người ta vừa lấy từ trong lò tấm bánh mì nóng giòn.
Tập sách chia thành hai phần. Phần 1 gồm 10 bài tiểu luận luận bàn về đời sống báo chí và khắc họa chân dung những người đồng nghiệp, đồng đội của Phạm Quốc Toàn. Phần lớn họ đã “hưu đời nhưng không hưu chữ”. Đó là những tên tuổi trong làng báo chí cách mạng Việt Nam như: Hà Đăng, Phan Quang, Nguyễn Hồng Vinh, Trần Bá Lạn, Nguyễn Xuân Lương, Trần Văn Hiền, Kim Toàn, Mai Sông Bé...
Phạm Quốc Toàn đã dành những trang viết với tình cảm đặc biệt để nói về đồng nghiệp, đồng đội của mình ở Báo Quân đội Nhân dân - những nhà báo chiến sĩ nay đã rời quân ngũ nhưng vẫn giữ được lửa lòng, lửa nghề. Đó là các đại tá nhà báo: Khánh Tường (Phạm Đình Trọng), Trần Thế Tuyển, Lê Liên, Trần Hồng...
Có lẽ những tiểu luận ở phần 1 tập sách với việc phác thảo “Nghề Tổng biên tập”, chân dung những nhà báo đã có đóng góp nhất định cho diện mạo, truyền thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam chỉ là đề dẫn để Phạm Quốc Toàn nói đến thực trạng cuộc sống đương đại với sự đa chiều, đa nghĩa, phong phú và phức tạp. Trong đó, sự hiện diện và trách nhiệm của giới báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng là không nhỏ.
Mở đầu bằng câu chuyện bức phù điêu Cá chép hóa rồng mà thầy và trò trường Sản Sả Hồ trên chót vót Hoàng Su Phì - Hà Giang tặng nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam để cảm ơn ông đã gửi tặng số tiền 500 triệu đồng mà ông bà đã dành dụm cả đời mình xây dựng ngôi trường mới.
Từ bức phù điêu đến chuyện cổ tích Cá chép hóa rồng, tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng, không có việc gì khó, nếu ta biết vượt lên chính mình, như cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Và, điều này nữa, từ lâu trong tâm khảm Phạm Quốc Toàn, nhà báo lão thành Phan Quang đã là một thần tượng; thì nay tác giả muốn mượn tấm gương lớn này để người đời nói chung và những người làm báo nói riêng noi theo. Hãy như nhà báo Phan Quang và các nhà báo “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” khác làm tất cả những gì có thể làm được để tiếp sức cho “Cá chép hóa Rồng”!
Với cách viết dí dỏm, trang 38 tiểu phẩm (phần 2), Phạm Quốc Toàn tập trung phác thảo bức tranh cuộc sống đương đại với những mảng màu tối sáng khác nhau, nhưng có chung một mẫu số là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Các tiểu phẩm: Chớ tô hồng; Niềm vui từ những điều như thế; Bố láo - bố lếu; Hỡi các tửu vương; Nhiều tiền để làm gì; Viết để làm gì?; Băng rôn bị hạ; Người giàu cũng khóc... mỗi bài một nét tô đậm điều đó.
Lấy cảm hứng từ một vụ án thời sự, tốn nhiều giấy mực của báo chí, trong câu chuyện với bạn bè bên dòng sông Thương thơ mộng, Phạm Quốc Toàn bàn luận về: Nhiều tiền để làm gì? Đương sự trong vụ án “đình đám “này thưa với tòa rằng, nhiều tiền để... “tan đàn, xẻ nghé”. Còn Phạm Quốc Toàn đưa ra thông điệp, nhiều tiền mà không biết “đối xử” đúng mức với đồng tiền sẽ dẫn đến hậu họa không chỉ cho gia đình “đại gia cà phê”, mà còn của toàn xã hội; phương hại đến thuần phong mỹ tục, đạo vợ chồng vốn đã là truyền thống văn hóa tốt đẹp mà cha ông ta để lại.
Khép lại phần 2 cũng là khép lại dòng chảy suy ngẫm của tác giả về những vấn đề đa dạng và phức tạp đang diễn ra trong đời sống xã hội, Phạm Quốc Toàn bàn về một vấn đề tưởng như nặng tính chuyên môn mà thực sự sâu sắc về đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo, đó là: “Nhà báo nói thêm”, “Nhà báo cũng là công dân”, “Viết để làm gì?”… Có mặt trong một cuộc tọa đàm về “Nhà báo và mạng xã hội”, Phạm Quốc Toàn dẫn tôn chỉ mục đích nghề báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Trước khi cầm viết, các nhà báo nên tự hỏi mình: viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? Mỗi người cầm bút trong thời đại công nghiệp 4.0 này (sở hữu các trang mạng) có thể ví như một “Tổng biên tập”. Hãy tự vấn “Viết để làm gì?” để có trách nhiệm với những thông tin mà mình “tung” lên mạng xã hội...
Với những thông điệp ấy, Cá chép hóa rồng của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn thực sự cần thiết cho những người làm báo nói riêng và đông đảo người đọc nói chung.