Thông điệp sống xanh qua hội họa

Tại số 6D đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM đang trưng bày hơn 15 tác phẩm thể nghiệm trong hành trình đầu tiên của nữ họa sĩ 9X (sinh năm 1990) Phan Tú Trân (ảnh).

Các tác phẩm chủ yếu theo phong cách pop art (phong trào hội họa được hình thành vào cuối thập niên 50, sử dụng những gam màu neon nổi bật cùng hình ảnh quen thuộc từ văn hóa đại chúng) thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu mến hội họa. Mỗi tác phẩm trao gửi một thông điệp cuộc sống, được thể hiện qua hình ảnh dễ thương của chú mèo máy Doraemon nổi tiếng từ truyện tranh thiếu nhi.

Phan Tú Trân tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật năm 2012, bắt đầu công việc của một họa sĩ minh họa, giảng dạy tại các trung tâm mỹ thuật. Từ năm 2020, nữ họa sĩ thử nghiệm các kỹ thuật, phương tiện nghệ thuật khác nhau và bắt đầu một loạt các bức tranh phái sinh hiện đại, tràn đầy năng lượng và dễ tiếp cận với nhiều khán giả hơn. “Với chất liệu tổng hợp trên các bản in, chúng cho phép tôi thỏa sức sáng tạo và giúp tôi thể hiện ý tưởng của mình theo những cách mới”, Phan Tú Trân bày tỏ.

CN3b.jpg

Năm 2024, trong cuộc thi UOB Painting of the Year tại Việt Nam lần thứ 2, Tú Trân đoạt giải cao nhất ở hạng mục Nghệ sĩ triển vọng với tác phẩm “Doraeco”. Tác phẩm của Tú Trân gồm 6 lá bài xếp trên mặt bàn casino, trong đó mỗi lá đại diện cho một khía cạnh khác nhau của ô nhiễm sinh thái: đất (J rô), nước (Q cơ), không khí (K bích), năng lượng (Q chuồn). Lá bài Joker, với sự bối rối của Doraemon, ẩn dụ cho xung đột giữa tiến bộ công nghệ và hậu quả môi trường. Chưa được lật, lá bài cuối cùng ám chỉ một tương lai vô định của thế hệ sau khi họ kế thừa cả thành tựu lẫn những hậu quả mà thế hệ trước để lại. Phan Tú Trân chia sẻ: “Qua tác phẩm Doraeco, tôi muốn truyền tải thông điệp đến mọi người về ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái chung của nhân loại, hướng tới một hệ sinh thái xanh, sạch, bền vững. Tôi luôn mong thông điệp từ tác phẩm của mình sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, góp phần phát triển lối sống xanh bền vững trong cộng đồng”.

Nói về sự kiện trưng bày lần này với loạt tác phẩm trong chuỗi tranh mang tên “My little Dora - Dora bé nhỏ của tôi”, Phan Tú Trân chia sẻ: “Tôi không vẽ Doraemon trong truyện tranh cùng tên mà chính là tôi đang vẽ ký ức của mình để bày tỏ đến người xem phần tuổi thơ hạnh phúc và đầy màu sắc. Vốn bị ám ảnh bởi các mô típ trang trí và đặc biệt yêu thích những đồ vật lấp lánh từ bé, nên tôi đã chọn cách thể hiện “Dora bé nhỏ” thật sự lộng lẫy, lung linh với đủ loại kim tuyến, dải màu ánh kim ngũ sắc, nhựa hologram và những tấm gương thủy óng ánh”.

Tận dụng ưu thế của chất liệu tổng hợp cùng với lối vẽ pop art, Phan Tú Trân thỏa sức sáng tạo cho Doraemon nguyên bản trở thành Doraemon của riêng mình. Qua loạt tranh trưng bày lần này, Phan Tú Trân bày tỏ mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kết hợp cả hai yếu tố cổ điển - hiện đại, những thông điệp vui tươi, ngộ nghĩnh phái sinh trong những chiều không gian - thời gian khác nhau, đem lại cảm giác thú vị về một câu chuyện mới trong tranh. Họa sĩ Phan Tú Trân tâm niệm: “Tôi muốn đem những giá trị của nghệ thuật cổ điển đến gần hơn với người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau, một cách tự nhiên và dí dỏm nhất, bởi những điều vui vẻ dễ khiến người xem chấp nhận và khám phá”.

Tin cùng chuyên mục