Theo đánh giá của Pascale Joannin, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu (Quỹ Robert Schuman), bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cuối tháng 5 vừa qua đã tạo ra tương quan quyền lực chính trị mới tại châu Âu.
Đánh giá chiến lược toàn cầu của EU
Lần đầu tiên trong 20 năm qua, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và nhóm đảng Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) không giành được đa số ghế tại EP. Phe cực hữu đã tăng gấp đôi số lượng các thành viên, chiếm 73 trong tổng số 751 ghế tại EP khóa mới. Liên minh Những người dân chủ và tự do châu Âu sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 5 tại EP, ngay sau đảng Xanh.
Theo thông tin từ trang web của Hội đồng châu Âu, Hội đồng Ngoại giao sẽ bắt đầu với một cuộc thảo luận về các vấn đề hiện tại, cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế như tình hình ở Venezuela, những vấn đề phát sinh gần đây liên quan đến Đạo luật Helms Burton. Đây cũng là cơ hội để hội đồng dự kiến sẽ thông qua một số kết luận mà không cần tranh luận, bao gồm các kết luận về chiến lược Trung Á, về sự tham gia của EU vào sự hợp tác ở khu vực biển Đen.
Hội đồng Ngoại giao châu Âu sẽ thảo luận quanh báo cáo và kết quả thực hiện chiến lược toàn cầu của EU 3 năm qua. Sau cuộc thảo luận này, Hội đồng châu Âu dự kiến sẽ đưa ra kết luận về hiệu quả của chủ nghĩa đa phương và về an ninh và quốc phòng.
Định hướng chiến lược sắp tới
Đầu tháng 7 tới (ngày bắt đầu khóa nghị viện mới) các nghị sĩ châu Âu sẽ bỏ phiếu để bầu ra chủ tịch. Giữa tháng 7, các nghị sĩ EU sẽ phê chuẩn vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu do Hội đồng châu Âu (những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên EU) chỉ định. Tuy nhiên, hiện các nghị sĩ châu Âu đang chủ trương thực hiện nguyên tắc Spitzenkandidaten - bổ nhiệm ứng cử viên của các nhóm đảng tại EU làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu - đã được thực hiện từ năm 2014. Thậm chí, các nghĩ sĩ EU còn tuyên bố sẽ bác bỏ mọi cá nhân do Hội đồng châu Âu chỉ định cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu mà không phải nhân vật đứng đầu nhóm đảng thắng cử tại cuộc bầu cử EP. Có khả năng xảy ra một cuộc xung đột công khai về vấn đề này giữa EP và Hội đồng châu Âu.
Trên cơ sở các ưu tiên chính sách đối nội nêu trên và chương trình tranh cử của các nhóm đảng chính trị tại EP, giới phân tích đã rút ra một số định hướng chính sách đối ngoại của EU thời gian tới như hướng tới một tiếng nói chung trong vấn đề đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của EU trên trường quốc tế (không phải thông qua sự đồng thuận nữa mà bằng cách bỏ phiếu).
Trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn do sự tranh giành ảnh hưởng và sự áp đặt theo chủ nghĩa đơn phương của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga, EU chủ trương theo đuổi và ưu tiên giải quyết các vấn đề quốc tế tại các diễn đàn đa phương, trong các vấn đề chính trị quốc tế lấy Liên hiệp quốc làm trọng tâm, trong thương mại lấy Tổ chức thương mại thế giới (WTO) làm tâm điểm. Chính sách đối ngoại của EU trong thời gian tới cũng ưu tiên giải quyết các điểm nóng trên thế giới qua cơ chế ngoại giao đa phương nhằm giảm áp lực về làn sóng di cư từ các điểm nóng này vào châu Âu. EU cũng ưu tiên thúc đẩy hợp tác quốc tế về đấu tranh chống biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước có quan hệ hợp tác với EU phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.