Thông điệp nhân văn qua những bài viết nặng ân tình về công lao người thầy

Sáng 14-11, Báo Người Lao Động đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần 3 năm 2023-2024.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, cho biết, cuộc thi viết "Người thầy kính yêu" lần thứ 3 đã nhận được 200 tác phẩm của các tác giả từ nhiều tỉnh thành trên cả nước gửi về.

Ban tổ chức đã chọn 42 tác phẩm nổi bật để đăng tải trên các phương tiện xuất bản của báo, từ đó chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc để trao giải và vinh danh 4 nhà giáo là những nhân vật tiêu biểu bước ra từ các trang viết.

"Các bài đăng đã tạo được sự lan tỏa lớn về tình nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo. Những tấm gương nhà giáo ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với nghề, hy sinh vì tương lai của học trò được khắc họa trong các tác phẩm đều để lại ấn tượng sâu sắc, nhiều bài viết rất chân thực, xúc động", đại diện Ban tổ chức cuộc thi nhận định.

z603066385124228f5460d9e7c24be13137f58f278c2b4-17315520795781484543887.jpg
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ tại lễ trao giải

Kết quả, Giải Nhất được trao cho tác phẩm "Người giáo viên quả cảm" của tác giả Ngô Thị Thu Vân (TPHCM).

Giải Nhì được trao cho tác phẩm "Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí" của tác giả Hoàng An (Long An).

Giải Ba thuộc về các tác phẩm "Người gieo ước mơ thay đổi cuộc đời" của tác giả Nguyễn Thị Lành (TPHCM), "Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng" của tác giả Tuyết Mai (Hà Nội).

Giải Khuyến khích trao cho 3 tác phẩm: "Chọn vùng xa để giúp học trò nghèo" của tác giả Cao Thị Huế (TPHCM), "Miệt mài gieo yêu thương" của tác giả Thái Đặng Nhật Tân (Đồng Nai) và "Nghẹn ngào nhớ ân tình thầy cô" của tác giả Lê Hoàng Ngọc Thạch (TPHCM).

z603079534734802e138b881d21c54c4f7af84c88b6319-1731554624775593496119.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong (bìa trái) và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc trao giải thưởng cho tác giả Hoàng An (TPHCM)

Tác giả Lê Hoàng Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, bản thân là một sinh viên nghèo, sáng đi rửa chén mướn, tối bán cà phê. Nhờ những bao gạo, món quà đậm ân tình thầy, cô đã cho, đến nay anh đã hoàn thành việc học tại một trường đại học và một trường cao đẳng.

"Nếu gặp khó khăn, các bạn học sinh, sinh viên đừng ngại ngần mà hãy chia sẻ với thầy cô vì thầy cô không bao giờ bỏ mình. Tôi đã trưởng thành nhờ có tình yêu thương ấy", anh Lê Hoàng Ngọc Thạch bày tỏ.

Với tác giả Đặng Hoàng An, nghề giáo viên không chỉ là một nghề lao động mà còn gửi gắm theo biết bao yêu thương, niềm tin và hy vọng.

Với bản thân các nhà giáo, cô Nguyễn Thị Sari, nhân vật trong tác phẩm "Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí", đồng thời là một trong 4 nhà giáo được tôn vinh tại lễ trao giải, chia sẻ: "Cuộc thi tiếp thêm cho tôi động lực để hoàn thiện bản thân, có thêm nhiều đóng góp cho các thế hệ học sinh và xã hội"

Đặc biệt, một trong những nhà giáo được tôn vinh có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng là thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội).

"Trước đây, tôi cũng là một "chiếc lá rách", tôi đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để trở thành "lá lành". Vì vậy, khi có cơ hội, tôi muốn góp sức mình cho cộng đồng. Tôi hy vọng những đồng nghiệp của mình sẽ là những chiếc "lá lành" tỏa sáng, giúp ích được cho nhiều mảnh đời khó khăn", thầy Nguyễn Xuân Khang trải lòng.

Dịp này, Báo Người Lao Động tiếp tục phát động Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 4 năm 2024-2025.

Tin cùng chuyên mục