Hiệp ước này là sự bổ sung cho hiệp ước được Tướng Charles De Gaulle và nhà lãnh đạo Đức khi đó Konrad Adenauer ký cách đây 56 năm nhằm hòa giải hai nước sau chiến tranh.
Việc ký kết hiệp ước quan trọng này diễn ra trong bối cảnh uy tín của hai nhà lãnh đạo đang giảm sút ở trong nước. Thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị rút khỏi vai trò lãnh đạo nước Đức vào năm 2021 sau khi đảng Dân chủ Cơ đốc (CDU) của bà thất bại nặng nề cuối tháng 10-2018 và chọn người khác kế nhiệm bà. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang phải đối mặt với phong trào “Áo vàng” kéo dài từ cuối năm ngoái khiến ông phải nỗ lực tổ chức Đối thoại quốc gia để lấy lòng dân.
Theo Irish Times, so với hiệp ước ký năm 1963, văn kiện này cụ thể hóa những tương đồng về chính sách kinh tế, đối ngoại và quốc phòng của hai nước, nhấn mạnh sự hợp tác tại những khu vực xuyên biên giới, cũng như thiết lập một hội đồng nghị viện chung gồm 100 nghị sĩ Pháp và Đức - những người có nhiệm vụ đưa tầm nhìn chiến lược kinh tế, từ đối nghịch đến xích lại gần nhau hơn. Hiệp ước sẽ khởi động lại một loạt các dự án Pháp - Đức, đồng thời cung cấp các phương tiện pháp lý để hài hòa các khoản phí xã hội, thuế, quy định.. tại các khu vực biên giới trong bối cảnh mỗi ngày có hơn 50.000 người Pháp băng qua khu vực này để vào Đức làm việc.
Theo Bloomberg, bối cảnh trên buộc Pháp và Đức phải bắt tay nhau hình thành một trụ cột cứng rắn hơn mà châu Âu cần phải có. Nhận định về hiệp ước, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, cả hai nước đều cùng muốn tiếp tục phát triển các dự án chung tại châu Âu, tăng cường thúc đẩy hợp tác vì một châu Âu thống nhất. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, đây là một thời điểm quan trọng để cho thấy, cặp đôi Pháp - Đức sẵn sàng hành động vì sự phát triển của dự án chung châu Âu.
Hiệp ước mới sẽ gửi đi một thông điệp tích cực tới Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là một nỗ lực củng cố EU sau Brexit, chống lại chủ nghĩa dân tộc châu Âu đang ngày một gia tăng trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới. Nếu như trong quá khứ, Berlin và Paris đã phối hợp vị thế của họ trước mỗi hội nghị thượng đỉnh EU, thì hiệp ước này cũng nhấn mạnh việc hai quốc gia thường xuyên tham khảo ý kiến của nhau ở mọi cấp độ trước các sự kiện quan trọng của châu Âu, phối hợp triển khai các biện pháp trong trường hợp bị tấn công khủng bố hay hợp tác trong các chương trình quân sự lớn.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng, hiệp ước mới thiếu tham vọng vì nó không đề cập đến khu vực đồng EUR, sự hội nhập của người di cư hoặc chính sách xã hội và môi trường. Trong nhiệm kỳ của hai nhà lãnh đạo, tính đến thời điểm này, họ vẫn bất đồng và đã không thể thống nhất được ngân sách chung cho Eurozone và các chính sách thuế đánh vào các đại gia kỹ thuật số. Mặc dù gần đây hai nước đã đưa ra các chương trình hợp tác sản xuất xe tăng và máy bay… nhưng theo giới phân tích, Berlin và Paris khó mà thống nhất được lợi ích hài hòa trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí và quốc phòng.