Đây cũng là một trong 3 mục tiêu của hội nghị xúc tiến được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên “quy nạp” thành 3 yêu cầu của thông điệp “Nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm phải đến nơi đến chốn”.
Từ đó, có thể “diễn dịch” ra nhiều khía cạnh sâu và rộng hơn. “Nói phải làm” là thúc đẩy các hoạt động tạo nên công trình, định vị sản phẩm cụ thể các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ cũng như các chương trình, kế hoạch chung của thành phố. “Hứa phải giữ lời” là thực hiện lời hứa với cử tri 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi khi ra ứng cử và trong các phiên tiếp xúc cử tri về giải pháp “cất cánh” cho khu vực phía Bắc - Tây Bắc của thành phố. “Làm phải đến nơi đến chốn” là thực thi cam kết đồng hành, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo mọi cơ hội thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng bắt nhịp phục hồi, phát triển kinh tế thành phố.
Nhìn rộng ra ngoài tính chất, phạm vi của một hội nghị xúc tiến, đó cũng là thông điệp nói chung của chính quyền thành phố với “hiệu lệnh” đầy tính trách nhiệm dành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và sở ban ngành trong nhiệm vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là đang trong giai đoạn tăng tốc phục hồi, tái thiết sau đại dịch.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu, kế hoạch, phương thức tham gia vào quá trình đầu tư, phát triển, khai thác…, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cần được đảm bảo bằng một “kháng thể” đủ mạnh về năng lực tài chính, minh bạch về mặt công bố thông tin, thực hiện đúng với những gì đã cam kết để không “lỗi nhịp” như diễn biến các sự vụ trong thời gian qua.
Đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể của TPHCM, thông điệp nói trên như một sự tiếp nối vừa duy trì tính liên tục - không đứt gãy của chiến lược bảo tồn, phát triển thành phố theo hướng trục Nam - Bắc - Tây - Đông TPHCM vốn đã được định vị từ khá sớm; vừa cân bằng (sẽ “điều chỉnh” tỷ lệ giữ lại/phát triển đất nông nghiệp để phục vụ nông nghiệp - công nghệ cao và công nghiệp - dịch vụ) và “hiệu đính” những bất cập trong quá trình phát triển đô thị đã dẫn tới sự mất cân bằng mối quan hệ giữa tài nguyên tự nhiên - xã hội. Chưa kể, mối liên kết về giao thông - kinh tế, liên kết vùng đào tạo - chuyển giao - tiêu thụ với vùng được đào tạo - sản xuất - phân phối với các tỉnh lân cận, chuyển tiếp về cả hai miền Đông và Tây Nam bộ từ cửa ngõ phía Bắc - Tây Bắc TPHCM.
Và nhất là, tạo được một đô thị “vùng đệm” với nền tảng mạnh và ổn định về mọi mặt sẽ kết nối để tác động, thúc đẩy nhanh hơn sức phát triển của khu vực vùng biên - lá chắn để bảo vệ an ninh chủ quyền, an toàn đời sống của người dân biên giới.
Ở góc nhìn địa - kinh tế, nếu ở khu Nam Sài Gòn có ưu thế phát triển kinh tế hướng biển đi cùng “món quà” thiên nhiên là bán đảo Cần Giờ với hệ sinh thái rừng ngập mặn quý hiếm thì khu Bắc - Tây Bắc lại là một phần của “di sản” được tạo lập bởi một thế hệ chân cứng đá mềm đã biến một vùng đất từng là “vành đai trắng” (do bom cày đạn xới trong chiến tranh và trắng cả về đất đai, con người, vốn liếng ngay sau ngày thành phố Sài Gòn được giải phóng) thành “vành đai xanh” - với độ phủ của các nông trường cây công nghiệp (như Nông trường An Hạ), cây công nghiệp tiêu dùng (với 2 loại cây cho nguyên liệu xuất khẩu là thuốc lá, đậu phộng)… Hơn 40 năm sau, trong quy hoạch - phát triển tới đây, “vành đai xanh” ấy sẽ dày lên, cao hơn để giữ lại một trong những “lá phổi” cho thành phố, cân bằng sức phát triển, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về “của để dành” xanh và sạch ở phía Bắc - Tây Bắc TPHCM.