
1. Ngày 16-7-1945, những thành viên trong đơn vị tình báo chiến lược mang bí danh “Con Nai” (OSS) đã hợp tác với Việt Minh, nhảy dù xuống Chiến khu Tân Trào, thành lập Đại đội (liên quân) Việt - Mỹ tham gia chống phát xít Nhật ở chiến trường Đông Dương; họ đến theo “lời mời” của lãnh tụ Hồ Chí Minh theo thỏa thuận với các quan chức Mỹ đóng tại Côn Minh (Trung Quốc) trong cuộc chiến tranh chống phát xít Nhật. Người đứng đầu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đã chủ động đứng vào hàng ngũ “đồng minh” của quốc gia đứng đầu lực lượng “Đồng Minh” toàn thế giới chống chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II.
2. Nghiên cứu tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy khởi đầu “hành trình tìm đường cứu nước” là đến nước Pháp, nhưng Mỹ mới là nơi dừng chân lâu nhất để học hỏi trước khi bước vào các hoạt động chính trị. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam cùng viết với các đồng chí trong “Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp” ký tên Nguyễn Ái Quốc được gửi trước hết cho Tổng thống Mỹ Wilson để bày tỏ nguyện vọng của dân tộc mình. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nhiều lần nhắc đến những “giá trị Mỹ” trong đó có cuộc Cách mạng giải phóng và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Sau đó, một lần nữa những tư tưởng căn bản của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ được trích dẫn mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam... Nhiều bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ mong muốn hợp tác toàn diện và được gửi những thanh niên ưu tú nhất sang Hoa Kỳ học tập...
Thời cuộc thay đổi, những thông điệp ấy không được hồi âm và hơn thế, nước Mỹ còn ngập sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Cho dù, nước Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến tranh khốc liệt, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời vẫn luôn giữ niềm tin vào nhân dân tiến bộ Mỹ. Một mặt kiên định chỉ đạo cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng luôn tranh thủ những cơ hội hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Và lịch sử đã diễn ra đúng như tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1998, tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp mặt giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con trai của cố Tổng thống Hoa Kỳ J.F.Kennedy tại nhà riêng của Đại tướng. Đại tướng nói: “Số đông người Việt Nam hay người Mỹ, nhất là các bạn trẻ chỉ biết đến những trang sử tàn khốc mà nước Mỹ đã can dự trong chiến tranh Đông Dương như kẻ thù của nhân dân Việt Nam; nhưng còn có những trang sử khác về những quan hệ tốt đẹp mang lại lợi ích cho cả 2 dân tộc, đã từng là đồng minh của nhau trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít…”. Đại tướng kết luận: “Các bạn trẻ Hoa Kỳ cũng như Việt Nam có sứ mệnh phải viết tiếp những trang sử tốt đẹp đã từng có trong lịch sử quan hệ giữa 2 dân tộc chúng ta”.
3. Tháng 6-2005, tôi được tham gia chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu sang Mỹ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh Patrice Mc Govern, một triệu phú Mỹ trẻ tuổi trong đêm gala tiễn đoàn rời thành phố Boston, đã nâng cao trên đầu tấm ảnh mà tôi đã tặng ông. Tấm ảnh chụp lại hiện vật gốc từ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, vốn là tấm poster có 8 hình vẽ liên hoàn hướng dẫn người Việt Nam cứu phi công Mỹ gặp nạn khi máy bay bị phát xít Nhật bắn rơi trên Chiến khu Việt Bắc. Nhà doanh nhân ấy đã nói lớn với cử tọa: “Đây là bằng chứng 60 năm trước chúng ta hợp tác chống chủ nghĩa phát xít thì giờ đây chúng ta hãy hợp tác làm cho 2 quốc gia chúng ta thịnh vượng!”.
Từ chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải đến nay đã thêm 2 thập niên và đã có những thay đổi vô cùng to lớn trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như nền ngoại giao nước ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia dân chủ, không muốn gây sự với ai” và “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.
Giờ đây chúng ta có thể tự hào khẳng định, thông điệp ấy đã là hiện thực sống động!