Tuyền nói mà không dám nhìn Hưng, lưng rịn mồ hôi, cơ mặt căng cứng, làm sao Hưng biết Tuyền có hai anh trai, Hưng còn biết thêm gì nữa?
Tối qua má gọi cho Tuyền nói sang tuần ba má xây lại nhà cho kịp đầu năm sau anh Hai cưới vợ, cô dâu là chị Khánh bạn học của anh Ba. Chị Khánh ngoan hiền, khéo tay, nấu nướng giỏi, mấy củ khoai củ mì vào tay chị cũng thành món ăn ngon. Chị ưng anh Hai, Tuyền mừng vì có chị dâu như chị, nhưng đứng phía chị em gái, Tuyền tiêng tiếc bông hoa lài.
Anh Hai học lớp bảy thì nghỉ, ngày đó ba má không lo nổi cho ba đứa con ăn học, anh Hai nói anh lớn, có trách nhiệm phụ ba má nuôi em. Anh Ba lớp năm cũng đòi nghỉ nhưng anh nhỏ xíu, nghỉ biết làm gì. Tuyền khi ấy lớp hai, nói: “Hai anh nghỉ Út cũng nghỉ luôn, đi học một mình bị tụi nó giựt tóc hoài!”. Anh Hai nhéo mũi Tuyền: Con gái lo học đàng hoàng rồi còn cưới chồng!
Tuyền thấy đám cưới cô dâu mặc đồ thiệt đẹp nên ham, ráng học. Sau này lớn mới biết, cưới chồng ai cũng cưới được, đâu cần học đàng hoàng. Còn mắc cười là may Tuyền đi học nên mới thoát được cảnh lấy chồng sớm, đám bạn Tuyền hết cấp hai nghỉ ở nhà, đứa nào cũng phổng phao mướt mát chỉ mấy năm là theo nhau lấy chồng. Hồi đó bác Hai sang nhà mấy lần, nói có anh Tín con của anh chồng bác, đẹp trai dễ thương mà nhà có tiền lắm, nhìn trúng Tuyền, nói ba mẹ ừ là cho cưới luôn. Ba mẹ nhìn Tuyền đen nhẻm trên người không có cái bông kẹp tóc hay cái vòng nhựa, nói con nhỏ khờ câm, lại còn đi học, chồng con gì.
Anh Ba ráng học tới lớp chín, không đậu lớp mười, mà đậu cũng không theo nổi, từ nhà lên huyện 18 cây số, phải ở trọ, tiền trường tiền sách vở áo quần không ít. Ba bệnh nằm đó, mình má bươn chải sao gánh nổi ông chồng với ba đứa con. Anh Hai phụ xưởng cưa chú Sáu, ngoài lương còn được chú Sáu cho mang những bao mùn cưa, mẩu gỗ về chụm. Má nói củi vườn thiếu gì, mùn cưa bán cũng có tiền, củi vụn bán cho lò tráng bánh. Nhặt nhạnh vậy nhưng đói vẫn đói, ăn có thể nhín ngày một bữa, quần áo rách thì vá chồng lên, chớ tiền thuốc của ba đâu nhín được.
Cứ thế, mình Tuyền đi học, lặng lẽ hết cấp hai, vô cấp ba rồi lên đại học. Nhớ bữa chú bưu điện đưa giấy báo nhập học, anh Hai khóc tu tu chạy từ đầu xóm về làm mấy người tưởng ba đi viện bị sao, anh Ba áo cài lộn nút cũng nhào ra, hai thằng con trai lộc ngộc khóc làm Tuyền cũng khóc theo ngon lành. Anh Hai vò nhàu mái tóc thiếu nữ của Tuyền, giơ ngón tay cái: Ngon Út, vậy mới là Út chớ. Yên tâm đi học, mọi chuyện hai anh lo!
Hết cấp ba là đi làm công nhân được rồi, Tuyền đã làm hai bộ hồ sơ xin việc, lên xã chứng đàng hoàng, chú ở ủy ban nhân dân xã còn nói, đẹp chữ đẹp người đi làm công nhân uổng vậy, ráng ít năm nữa coi sao. Tuyền cảm ơn chú, thầm nghĩ không biết một ngày chú khuyên bao nhiêu người, có bao nhiêu người làm theo, cũng tại chữ “điều kiện”. Ra cổng ủy ban, Tuyền photo hồ sơ thành năm bộ, định bụng rải năm công ty, thế nào chẳng có nơi gọi, ai dè đậu đại học. Anh Ba vốn ít nói cũng lên tiếng, con gái thì biết làm gì, chờ gả chồng thôi, nhưng học lấy cái nghề có lấy chồng cũng đỡ cực.
Chị Lam xóm trên đó, lấy chồng sớm, 24 tuổi đã ba đứa con. Chồng cờ bạc về đánh đập, chị mang con gửi ngoại rồi bỏ đi, nhưng chị đâu biết làm gì, bán bia phụ quán nhậu chị không chịu, sợ tiếng nhơ. Cuối cùng về quê, dùng dằng mãi mới dứt được ông chồng tệ bạc, má cho chị mượn tiền học may, giờ chị mở tiệm tại nhà cũng lo được cho ba đứa nhỏ.
Ba phải thường xuyên khám ở bệnh viện tỉnh, Tuyền đi học, má thuê cái nhà nhỏ rồi đón ba lên ở luôn, đi khám cũng tiện lại có thêm người phụ má chăm ba. Ban ngày má nấu mấy nồi chè, làm ít bánh ngọt, nấu nồi bắp, nồi đậu phộng, khoai luộc bán quanh xóm trọ. Tối học về, Tuyền đạp xe bán trong mấy khu sinh viên, cũng còn cực nhưng đỡ hơn trước. Ước mơ của Tuyền khi đó là cả nhà được ở chung nhau ăn cơm má nấu, ước mà đâu dám nói, sợ ba má buồn.
Anh Hai lên méc: “Thằng Ba lì lợm, biểu đi học lại không chịu đi”. Tuyền hỏi còn Hai sao, anh Hai vỗ ngực: “Nó lớp chín dễ theo, tao lớp sáu mất căn bản rồi, tao đủ đọc viết và tính lương, học chi nữa?”. Anh Hai như tự hào vì “mất căn bản” lắm, nhưng anh Ba không chịu, nói khi nào nhà khá khá mới tính, hai thằng con trai mà để ba má với em gái khổ thì quê lắm.
Tuyền ra trường, được thầy giới thiệu vào công ty quen, ba hết bệnh như có phép màu, ba không làm nặng được nhưng đan giỏ dán hộp thì làm tốt, ba “đăng cai” bếp núc trong nhà, tuần nào về Tuyền cũng mang đi khi hũ cá kho, khi chà bông, muối mè... Tuyền ở trọ với chị bạn cùng làm, lương tháng giữ lại tiền mua xà bông dầu gội còn gửi về hết cho má. Má nói, giờ nhà mình ai làm nấy ăn dư sức, con khỏi gửi, lo cho mình đi. Tuyền nói má giữ, kêu anh Hai anh Ba phụ thêm rồi sửa lại cái nhà. Hai anh cũng lớn rồi, người ta có con gái muốn gả, nhìn vào nhà
mình mà e ngại.
Tuyền quen Hưng từ ngày vô công ty, Hưng hiền chịu khó giống anh Hai, mấy lần nói muốn theo về quê thưa ba má nhưng Tuyền không dám. Tuyền chưa nói gì với Hưng chuyện nhà mình, Hưng con một, nhà chỉ còn mẹ, thấy nhà Tuyền một ách, liệu mẹ Hưng đồng ý? Tuyền đợi khi ba má xây lại cái nhà có phòng cho vợ chồng anh Hai, chừa sẵn phòng đợi anh Ba rước dâu như ba anh em đã hẹn, Tuyền sẽ rủ Hưng về ra mắt.
Khi đó, Hưng hiểu, không trách Tuyền ích kỷ chỉ biết lo bản thân thì hai đứa tiếp tục, không thì Tuyền về với ba má, với hai anh cùng chị Khánh như hồi đó đã ước, đợi anh Ba cưới vợ rồi Tuyền sẽ lấy chồng. Tuyền tính đường lui vậy có ích kỷ với Hưng quá không?
Tuyền cũng không dám cho nhà biết Tuyền có người thương muốn cưới, hai anh giờ ba má dạy không nghe, cứ nói - con trai vứt đâu cũng sống được, ba má lo cho con Út kìa. Tuyền ức lắm, Tuyền lớn vậy rồi, anh lo gì lo hoài? Hai anh cũng phải lo chị dâu tủi chớ, mải lo cho ba má, cho em út mà hụt hẫng chuyện tương lai, rủi vợ chồng có chuyện, Tuyền chịu sao nổi. Nhiều khi Tuyền ước giá mình cũng là con trai thì tốt, ba anh em khỏi ai phân bì ai.
Tuyền rối rắm quá, chuyện nhà Tuyền lắc lẻo vậy đó, làm sao nói với Hưng, mà nói rồi Hưng có thông
cảm hay không?