1. Sau vài cuộc hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến tại nhà riêng của chị ở số 4/5 đường Huyền Trân Công Chúa, phường 5, TP Đà Lạt (nay là số 07 đường Đa Minh). Mới đó mà đã gần 20 năm kể từ ngày tôi gặp chị cùng một số anh em trong ban nhạc dân tộc Xuân Hương biểu diễn tại nhà hàng - khách sạn Phố Núi.
Chị vẫn như xưa với đôi mắt “biết nói” và nụ cười hiền. Chị rót ly nước mời khách. Câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế miên man, bất tận như tiếng đàn của chị ngược về miền ký ức xa xôi.
Thu Quyến là người đam mê và gắn bó với nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc từ năm 19 tuổi. Cây đàn tranh đã theo chị như bóng với hình cho đến tận bây giờ. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Quảng Trị, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó lại không có truyền thống về âm nhạc, nhưng vì yêu thích tiếng đàn tranh nên chị quyết tâm theo đuổi.
Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành đàn tranh Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế), năm 1980, Thu Quyến cùng gia đình vào phương Nam lập nghiệp và “neo đậu” tại thành phố hoa Đà Lạt cho đến bây giờ.
Cũng từ đó, tiếng đàn thập lục của chị đã được không ít người mộ điệu gần xa biết đến. Những năm tháng về đầu quân tại Đoàn nghệ thuật Lâm Đồng thời bấy giờ và sau này là ban nhạc dân tộc Xuân Hương, đã đưa tiếng đàn cũng như tên tuổi của chị vượt ra khỏi “lũy tre làng”, bay xa.
Với bộ môn đàn tranh, ngoài khả năng thiên phú, đòi hỏi người chơi phải nắm vững những kỹ thuật cơ bản như kỹ thuật bàn tay phải, bàn tay trái; kỹ thuật song thanh; kỹ thuật ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến, ngón nhún, ngón vỗ, ngón vuốt, ngón bịt…; khả năng cảm âm tốt; điều quan trọng ở người chơi đàn tranh chính là sự tinh tế và trải lòng trên từng ngón đàn.
Theo nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến, đàn tranh có rất nhiều kỹ thuật nhưng khó nhất vẫn là kỹ thuật “vê”. Thế nên, một số sinh viên trường nhạc lúc bấy giờ thường nói vui với nhau rằng: Nếu “vê” không được thì “về” luôn! Quả vậy, để chơi đàn tranh hay thật không dễ dàng một chút nào, đòi hỏi người chơi phải kiên trì, chịu khó, “tịnh tâm” và phải trải qua một quá trình luyện tập công phu, chí ít cũng phải mất 3-5 năm.
2. Không chỉ chơi đàn tranh một cách điệu nghệ mà nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến còn âm thầm mở các lớp đào tạo đàn tranh tại gia với mong muốn truyền lửa đam mê và tình yêu nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ để vốn quý này không bị mai một.
Chị cũng mong sao loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ đến gần hơn với đông đảo công chúng yêu nhạc cụ truyền thống. Tiếng đàn như tiếng lòng chất chứa bao ân tình sẽ tiếp tục được lưu truyền, thăng hoa và “neo đậu” mãi trong tâm thức mỗi người, góp phần làm nên dư vị ngọt ngào của cuộc sống.
Đến nay, nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến đã mở được nhiều lớp đào tạo đàn tranh, giúp hàng trăm đối tượng học viên đủ mọi thành phần, lứa tuổi khác nhau (nhỏ nhất là 8 tuổi và lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 50 tuổi) thỏa mãn niềm đam mê. Ngày nào không gian nhà riêng của chị cũng rộn rã tiếng cười vui và réo rắt tiếng đàn tranh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (số 174 Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt), một học viên trung niên, không giấu được niềm vui, bộc bạch: “Học đàn tranh không quá khó nhưng cũng chẳng phải dễ. Vấn đề là do sự cố gắng nỗ lực của mình. Trong suốt thời gian theo học, tôi cảm nhận được rằng cô Thu Quyến là một giáo viên rất tận tâm với nghề. Tiếng đàn của cô đã thổi vào tâm hồn các thế hệ học trò để chúng tôi thêm động lực theo đuổi niềm đam mê của mình”.
Còn em Phạm Nhật Khánh Vân (11 tuổi, ở số 27A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 2, TP Đà Lạt) cho rằng: “Em rất đam mê đàn tranh nên đã thuyết phục ba mẹ và theo học được 2 năm nay. Lúc đầu mới học em thấy rất khó, nhưng càng về sau cảm thấy rất hay và thú vị”.
Với tư cách là đồng nghiệp, từng có những năm tháng gắn bó với ban nhạc dân tộc Xuân Hương, nghệ sĩ đàn bầu Vũ Mạnh Đương, Chủ nhiệm CLB Dân ca và Nhạc cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, tỏ ra rất ngưỡng mộ và tự hào khi nói đến những đóng góp thầm lặng của nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến.
“Tôi gặp Thu Quyến vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong suốt quá trình tập luyện và biểu diễn với nhau, tôi thấy Thu Quyến có một khả năng chuyên môn hết sức tuyệt vời. Thu Quyến là một nghệ sĩ rất yêu nghề, rất đam mê với nghề và có khả năng truyền thụ kiến thức cũng như kỹ thuật chơi đàn tranh rất tốt”, nghệ sĩ Vũ Mạnh Đương chia sẻ.
Theo nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến, hầu hết các đối tượng học viên đang theo học đàn tranh chủ yếu là để cho biết và thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, chứ không thực sự chuyên tâm theo đuổi. Đây là điều khiến chị luôn suy tư, trăn trở.
Chia tay nghệ sĩ đàn tranh Thu Quyến vào một chiều mưa Đà Lạt, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng đàn tranh như tiếng lòng thổn thức, những vui buồn về chuyện nghề, chuyện đời và về một miền ký ức không xa.