Trong một tuyên bố về thỏa thuận với Stella McCartney đưa ra mới đây, tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ sở hữu hơn 70 thương hiệu xa xỉ như Givenchy, Louis Vuitton, Christian Dior, khẳng định: “McCartney là nhà thiết kế đầu tiên đặt vấn đề đạo đức cũng như tính bền vững lên hàng đầu và đây chính là yếu tố then chốt để hai bên hợp tác”.
McCartney sinh ra tại Anh, trong một gia đình nổi tiếng với cha là cựu thành viên của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles - ca sĩ, nhạc sĩ Paul McCartney. Bà chính thức ghi dấu ấn trong làng thời trang khi trở thành giám đốc sáng tạo của thương hiệu Chloe tại Paris năm 1997. Từ lâu, McCartney đã được biết đến là người tiên phong trong lĩnh vực này, với những túi xách tay làm bằng chất liệu giả da hoặc những sáng kiến thúc đẩy việc tái sử dụng hàng xa xỉ.
Không thể phủ nhận tác động của ngành thời trang đối với môi trường. Mỗi năm, chỉ riêng tại Mỹ, đã có hơn 16 triệu tấn chất thải hàng dệt được thải ra. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, số lượng này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Tại Anh, Chương trình Hành động về chất thải và tài nguyên (WRAP) ước tính, số quần áo vứt bỏ tại các bãi rác mỗi năm trị giá 140 triệu bảng.
May mắn thay, người tiêu dùng trẻ đang nhận thức được vấn đề và điều chỉnh thói quen tiêu dùng cho phù hợp. Nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Deloitte đã tiết lộ, hơn 80% giới trẻ trên khắp Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Mỹ đã nhìn nhận một điều quan trọng là các công ty cần hành xử có đạo đức và thực hiện các bước để giảm thiểu tác động môi trường. Lớp người tiêu dùng ở độ tuổi 25 - 35 dự kiến sẽ chi 150 tỷ USD cho hàng hóa bền vững vào năm 2021.
Trước xu hướng ngày càng nhiều người mua sắm sẵn sàng mở hầu bao cho các sản phẩm xa xỉ thân thiện với môi trường, công ty dự báo xu hướng WGSN đã lập bản đồ các xu hướng tiêu dùng bền vững nhất trong năm 2019, nhận thấy các mặt hàng thời trang luôn đứng vị trí đầu. Trong thời gian qua, nhiều thương hiệu thời trang đã tăng tốc quảng cáo sao cho các thông tin “thân thiện môi trường” luôn được nổi bật. Adidas đã cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế vào năm 2024, trong khi H&M, Burberry và Marks & Spencer đã ký một thỏa thuận toàn cầu để đảm bảo 100% bao bì nhựa của họ có thể được tái sử dụng, tái chế hoặc được ủ làm phân vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo WGSN, một cách mà các thương hiệu duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các sản phẩm của họ, là phải làm nhiều điều hơn nữa thay vì chỉ sử dụng các vật liệu có thể tái chế. Người tiêu dùng cũng mong đợi các công ty hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng cách thiết lập các dự án nhỏ hơn và có thể nhân rộng.
Ví dụ điển hình là sự hợp tác giữa nhà thiết kế thời trang người Anh Bethany Williams với chuỗi siêu thị Tesco và Ngân hàng thực phẩm Vauxhall. Tesco đổi thực phẩm cho người dùng Ngân hàng thực phẩm lấy quần áo. Williams sau đó tạo ra một bộ sưu tập bằng cách sử dụng các sản phẩm may mặc được quyên góp và trích 30% lợi nhuận đầu tư trở lại vào Ngân hàng thực phẩm. Hay như hãng nội thất Ikea đã hợp tác với nhà thiết kế người Anh Tom Dixon để tạo ra một dòng dụng cụ làm vườn, khuyến khích những người sống ở thành thị trồng thêm lương thực tại nhà, hoặc thành lập cộng đồng nông nghiệp địa phương.
Theo Fashion United của Anh, thử thách đối với các thương hiệu thời trang trong năm 2019 sẽ là duy trì niềm tin và đảm bảo rằng họ vẫn phù hợp với kỳ vọng “Xanh hơn” của người tiêu dùng.