Bắt tín hiệu thị trường
Với dân số gần 100 triệu người và GDP bình quân hơn 3.500 USD/người, Việt Nam không thiếu những tín đồ thời trang chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu thậm chí nhiều hơn để mua 1 bộ trang phục. Đây cũng là điều dễ hiểu khi loạt thương hiệu đình đám thế giới như Zara, H&M, Top Shop, Top Man, Uniqlo… đã có mặt để tiếp cận người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Tuy vậy gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường thời trang có phần trầm lắng bởi NTD thắt chặt chi tiêu và tìm đến những sản phẩm có giá mềm hơn (từ 300.000 -800.000 đồng/sản phẩm). Đây là cơ hội tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp (DN) Việt nhìn thấy và đang có chiến lược bài bản để chinh phục khách hàng phân khúc tầm trung.
Theo đó, với lợi thế am hiểu người Việt, cùng kinh nghiệm làm gia công cho đối tác ngoại, nhiều DN đã đúc kết, cho ra mắt sản phẩm hợp thị hiếu NTD.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty Myone Fashion cho biết, làm gia công cho các nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới, công ty khá hiểu về chất lượng, giá cả của những nhãn hiệu thời trang này. Từ đó công ty đã sản xuất những sản phẩm phù hợp với túi tiền cũng như phong cách của người Việt.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean- một DN đang xây dựng thương hiệu cho nhãn hiệu V-Sixtyfour cho biết, từ khi ra mắt thương hiệu này đặt mục tiêu cung cấp dòng sản phẩm denim cao cấp, giá phải chăng và được điều chỉnh phù hợp nhất với chuẩn cơ thể người Việt.
Đây mới chỉ là 2 trong số rất nhiều DN dệt may thời trang trước đây vốn chỉ quan tâm đến xuất khẩu thì nay đã có những điều chỉnh phù hợp hơn để vừa chắc chân tại nội địa lại vừa xuất khẩu tốt.
Theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xét về phương diện chung của toàn thị trường may thời trang tại Việt Nam, hiện DN nội địa đang nắm giữ phân khúc trung cấp, phân khúc cao cấp đang thuộc về những đối thủ ngoại do họ đã có một quá trình dài xây dựng thương hiệu với NTD toàn cầu. Tuy vậy, chinh phục phân khúc trung cấp là một tín hiệu tốt, cho thấy DN đã bắt được tín hiệu của thị trường.
Chọn bước đi phù hợp
Theo VITAS, thị trường nội địa với quy mô 4,5 tỷ USD, dân số lớn, mức tăng trưởng bình quân 15-17%/năm, là sân chơi đáng kể cho các DN dệt may thỏa sức vẫy vùng. Dù vậy, trước áp lực cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu thời trang ngoại, nhiều DN đã tự mở lối đi riêng để có thể bám trụ. Tuy nhiên cái khó lớn nhất của DN dệt may trong nước hiện nay chính là chưa quảng bá mạnh mẽ để NTD trong nước biết đến.
Do đó trong kế hoạch sắp tới, các DN nội địa cho biết đều có những chiến lược tiếp cận khách hàng thông qua ra mắt những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, giá cạnh tranh; phát triển hệ thống phân phối tại các thành phố lớn, đông dân cư để nhận diện thương hiệu.
Tổng công ty CP May Việt Tiến đang theo đuổi mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu cùng với việc luôn cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường cho NTD có thu nhập từ trung bình, khá đến cao cấp. Hay May Đức Giang cũng chọn phân khúc trung lưu và mở mạng lưới tại nhiều tỉnh, thành phố để tiếp cận khách hàng.
“Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt những dòng sản phẩm thời trang công sở để phục vụ NTD trong nước. Về chất lượng sẽ không hề thua kém các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá thấp hơn gần 40%”, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Myone Fashion chia sẻ.
Đáng chú ý, nhiều thương hiệu còn chọn ca sĩ, người mẫu nổi tiếng, mời làm đại sứ thương hiệu nhằm quảng bá, phổ cập hình ảnh rộng rãi hơn tới NTD.
Với những chiến lược bài bản cùng phân khúc phù hợp, nhiều DN kỳ vọng hậu Covid-19 khi sức mua tăng khả quan trở lại thì họ sẽ có chỗ đứng tốt hơn trong lòng người Việt.