Trước đây, thỉnh thoảng trong các chương trình nghệ thuật, thời trang xuất hiện như một tiết mục phụ làm đẹp mắt khán giả. Nhưng hôm nay, lĩnh vực thời trang đang được các công ty truyền thông thực hiện và phát sóng định kỳ trên các kênh truyền hình như một món ăn tinh thần dành cho mọi đối tượng, là dịp để khán giả tìm hiểu và chọn các kiểu trang phục phù hợp…
Phong phú thời trang…
Hằng tháng, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Công ty Đông Tây thực hiện chương trình “Thời trang và cuộc sống”, với sự góp mặt của 4 thương hiệu thời trang khác nhau. Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cũng thực hiện chương trình “Thời trang A+”.
Đây là hai chương trình được nhiều khán giả quan tâm, vì lần ra mắt nào các nhà thiết kế cũng giới thiệu nhiều mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thể ứng dụng trong cuộc sống thường nhật. Trong đó có các thương hiệu thời trang áo cưới của Ánh Ngân, Demi Duy; thời trang Sơn Collections, Phượng Các, Nem, túi xách Miti…
Nhà thiết kế thời trang Sơn Collections cho biết: “Vào thời điểm của nền kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu ăn mặc đẹp của phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được mức phát triển tương đối cao. Khách hàng nữ ngày càng quan tâm đến gu thẩm mỹ trong cách ăn mặc, đôi lúc họ chú ý về thời trang hơn cả người nước ngoài”.
Sở hữu trong tay 3 showroom, nhà thiết kế Sơn Collections thường xuyên tham gia các chương trình thời trang với nhiều mẫu mã đời thường, phù hợp thị hiếu phụ nữ Việt Nam nên được chị em ủng hộ.
Không chỉ thế, thời trang còn “phân khúc” cho từng đối tượng riêng biệt, hiện có mặt và phát triển đa dạng trên thị trường hiện nay như thời trang Nguyễn Long dành cho cánh mày râu, thời trang Baby, thời trang bà bầu… cũng hấp dẫn nhiều tầng lớp khách hàng.
Thời trang Việt hấp dẫn
Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt - may diễn ra trong tháng 4-2009 vừa qua tại TPHCM cho thấy sức hấp dẫn từ thị trường “thời trang” ở Việt Nam. Đây là triển lãm lần thứ 19, do Tập đoàn May Việt Nam tổ chức đã thu hút 305 công ty đến từ 24 quốc gia và khu vực, tham gia giới thiệu thiết bị và nguyên liệu phục vụ cho thị trường dệt may Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ của triển lãm, Hội Dệt may thêu đan TPHCM còn tổ chức hội thảo trao đổi về những kinh nghiệm, khó khăn và cơ hội của ngành Dệt May Việt Nam trong năm 2009, với sự tham gia của các nước: Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Singapore, Thái Lan và 4 nước không thuộc thành viên là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại triển lãm, đại diện nhiều công ty dệt may khu vực Đông Nam Á cho biết rất muốn thâm nhập vào thị trường thời trang của Việt Nam để tìm hiểu, trao đổi và hợp tác kinh tế, phát triển và mở rộng công nghệ dệt may, mua bán và giới thiệu các sản phẩm...
Ông Lê Quốc Ân (Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam) tự tin cho biết: “Chúng tôi có thể khẳng định thời trang Việt Nam hiện rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế suy thoái chỉ làm cho ngành may mặc Việt Nam chậm phát triển một chút. Dự tính, từ đây đến năm 2020, ngành may mặc Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD”.
Ngoài ra, nắm bắt tình hình thị trường thời trang Việt Nam đang phát triển mạnh, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thời trang ngày càng cao, nhiều hãng thời trang thế giới cũng chọn phương thức giới thiệu các mẫu thời trang của họ thông qua các chương trình thời trang tại TPHCM để tiếp thị đến người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên, các mẫu mã thời trang Việt chất lượng cao vẫn là ưu tiên lựa chọn của số đông khách mua hàng người Việt.
Đó cũng chính là sự hội nhập giữa thời trang và cuộc sống, cho thấy sự năng động của ngành may mặc ở Việt Nam, sự vươn mình của các nhà thiết kế trẻ thời gian gần đây. Có thể xem đây là tín hiệu vui của ngành may mặc Việt Nam thời hội nhập, tiến ra thị trường thế giới.
Có thể nói, thị trường thời trang Việt đang là một thị trường mở và đang hối hả để tiếp cận thế giới, với du khách quốc tế đến du lịch và mua sắm tại Việt Nam. Đặc biệt, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã chọn thời trang sản xuất tại Việt Nam cho phong cách ăn mặc cá nhân. |
Thanh Tú