Thời trang Italia: Người Hoa sản xuất

Thời trang Italia: Người Hoa sản xuất

Hàng thời trang dệt may giá rẻ “Made in China” đang thống trị thị trường thế giới. Nay, Trung Quốc còn “lấn sân” vào cả kinh đô thời trang thế giới là Italia, không chỉ là nhập hàng từ Trung Quốc mà còn bằng cách sản xuất ngay tại chỗ, để đàng hoàng được đóng mác danh tiếng “Made in Italia”.

Đích đến mới

Thị trường vải sợi, may mặc Italia bị tác động không nhỏ khi người Hoa nhập cư vào nước này ngày càng đông. Prato, thành phố công nghiệp dệt chính yếu của Italia, đang là trung tâm thu hút hàng ngàn lao động người Hoa đổ về làm việc trong những khu công nghiệp vải sợi ở ngoại ô. Hầu hết người Hoa đến từ thành phố Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, phía Nam Thượng Hải (Trung Quốc), một vùng cũng có truyền thống sản xuất vải sợi. Hiện Prato là nơi có cộng đồng người Hoa đông nhất Italia với khoảng 25.000 người, gần 15% dân số thành phố. Khu Chinatown của Prato luôn tấp nập cửa hàng, quán ăn, phần lớn mới mọc lên những năm gần đây. Prato còn là một trung tâm nhập quần áo giá rẻ từ Trung Quốc.

Thời trang Italia: Người Hoa sản xuất ảnh 1

Thời trang “Made in Italia by Chinese”

Ngoài Prato, những thành phố đích đến khác của người Hoa là Rome, Naples, Milan..., những nơi có việc làm, có mạng lưới do người Hoa thiết lập để thu hút người đến sau, thường là bà con, bạn bè người đến trước.

Một phóng sự của BBC (phát ngày 2-8 và dự kiến phát lại vào ngày 6-8) cho biết, nhà chức trách Italia đang lo ngại vì có đến 1/3 số người Hoa ở nước này là nhập cư bất hợp pháp. Họ đến Italia bằng cách thuê những băng tội phạm đưa lậu vào hoặc dùng visa du lịch rồi tìm cách ở lại. Ngoài ra, nhà chức trách còn lo ngại cách làm việc của người Hoa đang biến đổi hoạt động của công nghiệp vải sợi và thời trang Italia. Nhiều người Italia trách cứ người Hoa gây ra những vấn đề kinh tế. Khi giàu lên, người Hoa mua hết những cơ sở chính của lĩnh vực vải sợi, tận dụng những liên kết với Trung Quốc để trở nên mạnh hơn. Theo Carlo Longo, chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp Prato: “Về mặt xã hội, điều đó như một thảm họa. Một cú sốc...”

Một... phát minh Trung Quốc

Lao động người Hoa làm việc đôi khi cả ngày đêm với mức lương chỉ 2 euro/g, sản xuất hàng loạt hàng thời trang thật nhanh và thật rẻ để cạnh tranh. Lô 20 chiếc váy đầm bán sỉ chỉ 150 euro cho các đầu mối mua hàng ở khắp Italia và châu Âu. Prato đã trở nên một trung tâm phân phối chính của “Pronto Moda” (tiếng Italia nghĩa là “thời trang nhanh”). “Pronto Moda” là một “phát minh Trung Quốc” mới: sản xuất thật nhanh hàng tốt gắn mác “Made in Italia” nhưng dưới những điều kiện làm việc kiểu Trung Quốc.

Nhiều người Hoa đã thành công tại Prato, như chủ Công ty dệt Giupel nổi tiếng, Từ Khúc Lâm, 42 tuổi, thích được gọi là “Signor Giulini” (ngài Giulini). Ông Từ đến Italia năm 1990, làm bồi ở Florence, công nhân dệt ở Prato, rồi lập công ty riêng ở Prato năm 2000. Ông đã phát triển mô hình được nhiều doanh nghiệp làm theo: thuê cả người Italia lẫn người Hoa cùng làm việc; chuyển một phần việc về Trung Quốc để giảm chi phí; đặc biệt là chú trọng chất lượng...

Công nghiệp thời trang Italia đã có bài học đắt giá: để tiếp tục thành công, cần liên kết với Trung Quốc để tái cấu trúc, đổi mới, giảm chi phí và đặt gia công, nhưng với chất lượng và kỹ xảo Italia. Nhiều mặt hàng thời trang Italia nay có lẽ phải gắn mác lại là... “Made in Italia by Chinese” (sản xuất tại Italia bởi người Hoa)!.

Hồi tháng 4, bạo lực đã bùng phát giữa người Hoa kinh doanh quần áo với cư dân và cảnh sát ở khu Chinatown của Milan, lần đầu tiên xảy ra xung đột kiểu này ở Italia. Theo Daniele Cologna, giảng viên đại học ở Milan và chuyên gia về người Hoa ở Italia, căng thẳng gia tăng do người Hoa đến Italia ngày càng đông, mở thêm nhiều doanh nghiệp riêng. Họ được lợi nhờ Trung Quốc đang thành một thế lực kinh tế toàn cầu. Do đó, người Italia đang cảm thấy bị đe dọa.

HỒNG CHUYÊN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục