Thời trang bền vững

Trong nhịp sống hiện đại, nhu cầu mặc đẹp là điều cần thiết, nhưng ở chiều ngược lại, bài toán xử lý quần áo đã qua sử dụng không dễ dàng. Nhiều dự án thu gom quần áo cũ của các bạn trẻ gặp khó khăn trong việc duy trì đường dài và xử lý không phát thải.

Thời trang mặc một lần

Nhu cầu phát triển và khẳng định bản thân trở thành phương châm sống của nhiều người, với một bộ phận người trẻ quần áo cũng là cách thể hiện cá tính, chính vì thế mà việc trang phục mặc đôi ba lần được xem như đồ cũ trở thành chuyện thường ngày. Để đáp ứng nhu cầu mặc đồ mới mỗi ngày, nhiều bạn trẻ tranh thủ “chốt đơn” trong các đợt săn sale (đồ giảm giá) trên các nền tảng thương mại trực tuyến.

Sau mỗi đợt giảm giá vào giữa tháng, có khi chốt hơn chục đơn hàng chỉ quần áo và túi xách, Trần Nguyễn Thảo Nguyên (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Một cái áo thun săn sale có khi giá chưa đến 20.000 đồng, mặc qua vài lần rồi bỏ cũng đỡ thấy tiếc. Mỗi đợt giảm giá là tôi canh để chốt đơn, mỗi ngày đi làm phối đồ theo một kiểu, không ngày nào đụng hàng ngày nào”.

Thói quen thời trang giá rẻ và mặc nhanh kiểu này, khiến quần áo của Thảo Nguyên nhanh chóng thành đồ cũ, và tủ đồ luôn trong tình trạng chật kín quần áo nhưng luôn cảm thấy không có gì để mặc. “Mỗi tuần tôi phải dọn tủ đồ một lần, vì quần áo không thích mặc nữa quá nhiều, cho cũng không biết cho ai, còn các nhóm thiện nguyện họ chỉ nhận trong mức cần thiết và vừa đủ. Có khi tôi cũng gom những bộ đồ cũ quá, bỏ thùng rác thôi”, Nguyên kể.

Đánh vào tâm lý thích mặc đẹp và mới mỗi ngày của các “thượng đế trẻ”, các sàn mua sắm trực tuyến sẵn sàng tung mã giảm giá lên đến 70%. Chưa kể cùng một mặt hàng nhưng nếu mua từ hai sản phẩm trở lên càng có nhiều ưu đãi đi kèm về phí vận chuyển và khách hàng có thêm mã giảm giá để mua sản phẩm khác. Thời trang theo kiểu mua nhanh mặc vội này đáp ứng nhu cầu chưng diện tối đa cho khách hàng, nhưng cũng khiến lượng đồ cũ thải ra ngày càng tăng cao.

Phan Hồng Hạnh (24 tuổi, nhân viên tài chính, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Quần áo giá rẻ thì không thể đòi hỏi chất lượng vải xịn, hay đường may tỉ mỉ, nên mặc nhanh vài lần rồi tôi bỏ đi, nhưng đồ cũ thì không biết để đâu cho hết, tủ quần áo nhà tôi lúc nào cũng nhét đầy tràn”.

Xử lý không phát thải

Nền tảng REshare bắt đầu từ tháng 6-2021, kết nối giữa người nhận và người cho, theo hình thức “Tủ đồ 0 đồng online”; nhưng sau thời gian hoạt động nhận thấy số lượng quần áo quá nhiều và việc ô nhiễm môi trường từ thời trang càng tăng thêm, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (nhà sáng lập dự án REshare) bắt đầu hành trình mới, để giảm thiểu lượng rác thải thời trang ra môi trường, hướng đến một tương lai xanh và bền vững.

U6a.jpg
Dự án thu gom và xử lý không phát thải quần áo cũ REshare được khách hàng ủng hộ

Từ đó, REshare định hướng mình là một doanh nghiệp thu gom và xử lý quần áo cũ, nhưng khác với nhiều dự án chỉ đơn thuần tiếp nhận và phân loại, REshare nỗ lực đi đến cùng mục tiêu xử lý. Theo đó, REshare xây dựng mô hình gồm các bước cụ thể như: Thu gom, nghĩa là tiếp nhận các sản phẩm còn sử dụng được và không còn sử dụng, tiến hành phân loại; Tuần hoàn, nỗ lực kéo dài vòng đời sản phẩm, giúp sản phẩm có cuộc đời mới ý nghĩa hơn thông qua việc tặng lại cho ai có nhu cầu thông qua trang web reshare.vn.

“Riêng ở khâu xử lý, đối với quần áo quá cũ và nội y không thể tái sử dụng được, REshare sẽ chuyển về nhà máy đối tác để xử lý không phát thải bằng công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng, đây hiện là công nghệ xử lý rác thải tốt nhất tại Việt Nam”, anh Trọng Nghĩa cho biết thêm.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án REshare đã tái chế và tái sử dụng hơn 300 tấn quần áo. Anh Trọng Nghĩa bày tỏ: “Theo tôi, để giảm rác thải từ ngành công nghiệp thời trang phải thắt chặt từ khâu sản xuất, đến khâu tiêu dùng và xử lý sau tiêu dùng. Mỗi người cần nhận thức được sự ảnh hưởng của thời trang với môi trường sống của chính mình và tương lai. Người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua sản phẩm, chọn lựa những sản phẩm thật sự cần thiết, chất lượng, sử dụng tối đa công năng sản phẩm, xử lý an toàn sau khi đã sử dụng bằng cách tái sử dụng hoặc tái chế qua các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín”.

Đối với dự án REshare, định nghĩa thời trang bền vững là những hoạt động tác động đến ngành thời trang nhằm giảm tác động đến môi trường, bảo vệ người lao động sản xuất hàng may mặc và duy trì phúc lợi những động vật bị sử dụng trong công nghiệp thời trang.

Tin cùng chuyên mục