Những hậu quả nghiêm trọng
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc LHQ dựa trên việc phân tích các bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu cho biết, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như băng tan, mực nước biển dâng, tăng nhiệt độ, axít hóa đại dương và thời tiết khắc nghiệt. WMO cho biết, nghiên cứu của họ cũng xác nhận dữ liệu do cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu công bố tuần trước cho thấy, năm 2019 là năm nóng thứ hai được ghi nhận, sau năm 2016.
Người đứng đầu WMO Petteri Taalas tuyên bố, năm 2020 sẽ vẫn được coi là có mức độ nguy hiểm nối tiếp năm 2019 - với các sự kiện liên quan đến thời tiết và khí hậu có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là các vụ cháy rừng tàn khốc đang hoành hành ở Australia trong nhiều tháng. Xét về thời gian và cường độ, các vụ cháy rừng chưa từng có ở Australia là minh chứng cho hiện tượng Trái đất ngày càng nóng lên.
Theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong cả 2 giai đoạn 5 năm qua (2015-2019) và 10 năm (2010-2019) là cao nhất từng được ghi nhận. Kể từ những năm 1980, mỗi thập niên đã ấm hơn so với trước đó. WMO cảnh báo rằng “xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục”. Cũng theo WMO, lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra cần phải giảm 7,6% mỗi năm đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,50C theo ký kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
WMO cho rằng, tính từ năm 1850, năm đầu tiên có các hồ sơ ghi nhận thời tiết, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,10C và cảnh báo về sự nóng lên đáng kể trong tương lai. Người đứng đầu WMO Taalas nói: “Với lượng khí phát thải carbon dioxide như hiện nay, chúng ta đang hướng tới việc nhiệt độ tăng từ 3°C - 5°C vào cuối thế kỷ này”.
Kêu gọi hành động
Dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ tiết lộ rằng, vùng phủ băng ở 2 cực Trái đất tiếp tục có xu hướng thu hẹp trong năm 2019. WMO cũng nhấn mạnh, một nghiên cứu mới được công bố trong tuần này trên Advances in Atherheric Science với các dữ liệu cho thấy hàm lượng nhiệt đại dương đã ở mức cao kỷ lục vào năm 2019. Vì hơn 90% nhiệt dư thừa được lưu trữ trong các đại dương trên thế giới, nên hàm lượng nhiệt của chúng là một cách hiệu quả để định lượng tốc độ nóng lên toàn cầu.
Năm 2019 đánh dấu một năm của các sự kiện thời tiết cực đoan, từ sóng nhiệt cao trên khắp châu Âu đến lũ lụt ở Nam Mỹ và lốc xoáy ở châu Á. Các vụ cháy rừng ở Australia bắt đầu vào tháng 9 đã tàn phá phần lớn đất nước này. Các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo rằng những thảm họa này sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn nếu khí hậu trên thế giới tiếp tục ấm lên.
Theo các nhà khoa học, sóng nhiệt giết chết nhiều người hơn bất kỳ sự kiện thời tiết khắc nghiệt nào khác. Mặc dù có một loạt cam kết từ các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo thế giới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, lượng khí thải carbon toàn cầu vẫn có xu hướng tăng trong năm 2019.
Ông Manuel Pulgar-Vidal, lãnh đạo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn xu hướng ấm lên toàn cầu. “Không có gì ngạc nhiên khi năm 2019 là năm nóng thứ hai trong lịch sử - thiên nhiên đã liên tục nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải gia tăng hành động”, ông nói.