Thời tiết Nam bộ diễn biến phức tạp

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày và đêm nay 4-9, do dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với bão số 3, gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên thời tiết ở TPHCM và khu vực Nam bộ có diễn biến phức tạp.

Dự báo trong vòng 48-72 giờ tới, cơn bão số 3 di chuyển theo hướng Tây và có cường độ mạnh dần. Thời tiết Nam bộ có nhiều mây, ngày có lúc giảm mây, nắng nhẹ. Trưa chiều và tối có mưa, mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh, đề phòng mưa lớn gây ngập úng vùng trũng thấp, đô thị.

Ở TPHCM, dự báo các quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiều mây, ngày có lúc giảm mây, nắng nhẹ, trưa chiều và tối có mưa, mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to. Trong mưa dông cần đề phòng sét và gió giật mạnh.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM (thuộc UBND TPHCM) cho biết, đến giờ này, khu vực TPHCM chưa chịu ảnh hưởng nhiều, đối với ngư dân đi biển vẫn đang trong vùng an toàn, chưa đến mức độ kêu gọi tàu thuyền quay vào bờ. Mặc dù vậy, đơn vị cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để xử lý những tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Theo đó, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của cơn bão số 3 để thông tin cho người dân được biết; cập nhật, bổ sung hoàn thiện bản đồ cảnh báo các vị trí xung yếu khu vực và phạm vi, quy mô ảnh hưởng gây ngập và địa điểm an toàn di dời, sơ tán dân khi có sự cố xảy ra.

Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết thêm, đối với công tác phòng chống thiên tai hàng năm, ngay trước vào mùa mưa, đơn vị đã chủ động phối hợp với sở ngành, quận, huyện, chủ đầu tư các dự án, nhất là các dự án liên quan phòng chống thiên tai như đê bao, cống ngăn triều, kiểm soát triều, trạm bơm tiến hành kiểm tra, rà soát lại hết nhằm phát hiện các vị trí xung yếu để chủ động gia cố khi có mưa bão, hoặc bão kết hợp triều cường, hoặc bão kết hợp triều cường mưa lớn để sẵn sàng ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, đơn vị cũng có kế hoạch kiểm tra công tác kiểm tra phòng chống thiên tai tại quận, huyện. Đặc biệt các quận huyện ven sông, nhiều kênh rạch như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè về trang thiết bị, phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Mặt khác, để tránh tổ hợp vừa xả lũ, vừa mưa, vừa triều cường có thể gây nguy hiểm cho TPHCM, đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ quản lý hồ Dầu Tiếng) để chủ động điều tiết vấn đề xả lũ.

Đối với vấn đề cây xanh, mặc dù là lĩnh vực thuộc Sở Xây dựng quản lý, nhưng đơn vị cũng có cảnh báo mưa dông, lốc xoáy, bão, gió lớn, gió mạnh để các cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, xử lý chuyên môn như cắt tỉa cây xanh để phòng tránh những sự cố đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục