Thời tiết khó lường ở cả hai miền

Trong khi người dân miền Nam đang lo lắng với mưa trái mùa cản trở việc thu hoạch lúa Đông Xuân và là điều kiện để muỗi sinh sản thì ở miền Bắc, mưa phùn, sương mù, nồm ẩm kéo dài lại gây ùn tắc xe cộ, tai nạn giao thông...

IMG_7234.jpeg
Ùn tắc giao thông xảy ra tại Hà Nội vào giờ cao điểm ngày 18-2. Ảnh: CTV

Ghi nhận của PV Báo SGGP, trong ngày 18-2, thời tiết ở miền Bắc tiếp tục duy trì tình trạng mưa phùn, sương mù và nồm ẩm kéo dài cả ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và đi lại.

Tại Hà Nội, vào giờ cao điểm, tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ từ phía Tây vào nội đô. Trời rét 15-16 độ C, người dân đi đường phải mặc áo mưa, xe cộ di chuyển chậm.

Sương mù dày đặc kèm mưa, đường sá trơn trượt còn gây nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt trên các tuyến đường cao tốc và các dòng sông có nhiều phương tiện đường thủy như sông Hồng, sông Lô, sông Đà… do tầm nhìn bị hạn chế.

IMG_7209.jpeg
Tai nạn giao thông do mưa phùn, sương mù, đường trơn... xảy ra trên Quốc lộ 6 qua xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) sáng 18-2. Ảnh: CTV

Theo ghi nhận của mạng lưới quan trắc khí tượng, chiều 18-2, nhiều nơi ở miền Nam tiếp tục có các đợt mưa trái mùa. Một số nơi có mây dông phát triển như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tại miền Tây, hiện đang là cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, nên mưa trái mùa gây ảnh hưởng kế hoạch sản xuất và thu hoạch của nông dân.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và một số chuyên gia khí tượng dự báo, trong những ngày tới, miền Bắc vẫn duy trì hiện tượng nồm ẩm kéo dài (đến khoảng ngày 22-2).

IMG_7188.jpeg
Sương mù dày đặc tràn xuống các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: CTV

Đến khoảng ngày 24-2, gió Tây có thể gây ra những trận mưa to.

Sau đó, một đợt không khí lạnh tràn xuống, có khả năng làm giảm cường độ mưa, nhưng từ ngày 26-2 thì hiện tượng nồm ẩm quay trở lại.

IMG_7235.jpeg
Ô tô, xe máy ở Hà Nội chật vật di chuyển do mưa phùn, thời tiết xấu, cơ sở hạ tầng quá tải

Ở miền Nam, mưa trái mùa tiếp tục kéo dài đến khoảng ngày 2-3. Sau đó, mưa sẽ giảm và khả năng quay lại vào ngày 6-3 với xác suất khoảng 20%.

Người dân ở miền Nam cần đề phòng bệnh sốt xuất huyết do mưa trái mùa gây thời tiết thất thường là điều kiện để muỗi phát triển.

Ngoài những đợt mưa, miền Nam vẫn trải qua những ngày nóng nắng tại những khu vực không có mưa. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 36 độ C.

Tin cùng chuyên mục