Mưa đá diện rộng ở phía Bắc
Tại các huyện Trà Lĩnh và Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng, xuất hiện trận mưa đá được coi là lớn nhất năm 2023 tại khu vực này. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, dông lốc đã xảy ra tại các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hà Quảng. Riêng tại các xã: Phi Hải, Quốc Toản (Quảng Hòa); Tổng Cọt, Nội Thôn, Lũng Nặm (Hà Quảng); Quang Hán, Quang Vinh, Cao Chương và thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh) đã xuất hiện trận mưa đá diện rộng, làm thiệt hại nặng về nhà ở, hoa màu của nhân dân. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng thống kê, có 471 nhà ở bị hư hỏng mái, 185,4ha hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng.
Chiều 8-5, không khí lạnh đã ảnh hưởng sâu tới miền Trung. Mặc dù một số nơi xuất hiện thiên tai cực đoan như dông lốc, mưa đá, sét, nhưng đánh giá chung, không khí lạnh đã tạo ra lượng “mưa vàng” giúp giải nhiệt. Thời tiết dịu mát cũng khiến người dân phấn khởi hơn sau nhiều ngày liền nắng nóng đổ lửa. Các trạm quan trắc báo cáo, nền nhiệt ngày 8-5 tại nhiều địa điểm đã giảm xuống còn 21-24oC. Hình thái mát mẻ còn duy trì đến hết tuần này, sau đó miền Bắc và miền Trung sẽ bước vào đợt nắng nóng mới.
Chiều 8-5, TPHCM xuất hiện mưa lớn kèm theo gió, dông xảy ra hầu khắp các quận, huyện đã làm giảm nhiệt những ngày nắng nóng kéo dài. Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, nguyên nhân gây mưa là do áp cao lạnh lục địa tiếp tục tăng cường yếu lệch Đông xuống các tỉnh Bắc Bộ. Dự báo thời tiết Nam Bộ từ ngày 9-5 đến 12-5 khả năng chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Từ ngày 13 và 14-5 nắng nóng có thể xuất hiện trở lại trên khu vực. Tuy nhiên, mùa mưa ở khu vực Nam Bộ bắt đầu sau ngày 15-5.
Sau mưa giải nhiệt là dông lốc
Chiều 8-5, cơn mưa lớn trút xuống khu vực Đông Nam bộ giúp giải nhiệt sau chuỗi ngày nắng nóng. Một số tuyến đường tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương ngập sâu, có nơi xuất hiện mưa đá, cây xanh gãy đổ.
Mưa đá tại các huyện Trà Lĩnh, Hà Quảng (Cao Bằng) ngày 7-5 |
Trước đó, cơn mưa từ trưa kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ trên diện rộng giúp một số khu vực thuộc huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh, TP Đà Lạt… ghi nhận lượng mưa từ 40-100mm. Chiều cùng ngày, trên địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ngay sau những ngày nắng nóng gay gắt, đã có mưa giải nhiệt.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, cho biết, các đợt mưa từ chiều 7-5 đã giải nhiệt, tích nước cho nhiều vùng đang có nguy cơ thiếu nước. Tuy nhiên, dông lốc, gió mạnh xảy ra tại một số địa phương, gây thiệt hại cho người dân. Tại huyện Quỳ Châu, dông lốc đã làm 64 nhà, 1 trường học bị tốc mái; huyện Quế Phong có 5 nhà tốc mái, 1 nhà sập, 1 người bị thương; huyện Kỳ Sơn có 6 nhà tốc mái.
Tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), dông lốc đã làm 1 nhà bị sập, 44 nhà và 1 trường học bị tốc mái. Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, dông lốc đã làm 1.500ha lúa mùa vụ xuân đổ, ngã; trong đó chủ yếu là lúa đang vào giai đoạn chín. Rạng sáng 8-5, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh khiến 41 nhà dân bị hư hỏng, 151ha lúa bị gãy đổ… Dông lốc cũng xảy ra trên vùng biển xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nhấn chìm 9 thuyền nan câu mực cùng 10 ngư dân khi đánh bắt cách bờ 3-5 hải lý.
Tại ĐBSCL, một số nơi đã xuất hiện mưa nhỏ, thời tiết trong ngày có phần dịu hơn những ngày trước đó. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, đã xuất hiện tình trạng tôm chết ở các vuông nuôi tại Kiên Giang và Cà Mau.
Gia tăng đột quỵ do sốc nhiệt
TPHCM và cả nước đang trong những ngày thời tiết bất thường khiến những người có sức đề kháng thấp, đặc biệt là người lớn tuổi, trẻ em, có nguy cơ bị đột quỵ do sốc nhiệt. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đột quỵ do sốc nhiệt rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
Sáng 8-5, khuôn viên Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) chật cứng người tới khám chữa bệnh. Tại Khoa Cấp cứu, khoảng 80 người bệnh đang được bác sĩ săn sóc, theo dõi nghiêm ngặt. Bác sĩ Trương Trọng Tuấn, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115, thông tin: “Mỗi ngày khoa cấp cứu 300-350 bệnh nhân. Lũy tính từ đầu tháng 4 đến nay, khoa đã tiếp nhận trên 10.000 người bệnh nhập viện cấp cứu, trong đó 70%-80% là người lớn tuổi mắc tim mạch, đột quỵ và các bệnh lý khác”. Theo thống kê của Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), mỗi ngày khoa này tiếp nhận điều trị 10-15 trường hợp, trong đó 50% liên quan tới đột quỵ, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 1.200-1.500 bệnh nhi tới khám bệnh, trong đó có khoảng 1.100 bệnh nhi đến khám liên quan đến bệnh hô hấp. Nguyên nhân là do thời tiết giao mùa, nắng nóng nên số lượng bệnh nhi tới khám gia tăng.
QUANG HUY - BÙI LIÊM